Cá ngừ của Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường Anh nhờ những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, sau 3 tháng sụt giảm liên tục, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh đã tăng trở lại. Riêng trong tháng 6/2024, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng 56%, đạt 742 triệu USD.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao trong 2 tháng qua vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm trước đó. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 3,6 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ.
Thịt/loin cá ngừ đông lạnh vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Anh, chiếm tới 92%. Việt Nam hiện đang là nguồn cung thịt cá ngừ đông lạnh ngoài khối EU lớn thứ 2 cho thị trường Anh, sau Hàn Quốc.
Cũng theo VASEP, tại thị trường Anh, cá ngừ được bán dưới nhiều loại sản phẩm như sơ chế, chế biến sẵn, sushi, dạng có sốt, dạng bánh hay tẩm bột... Trong đó, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp và đóng túi được tiêu thụ nhiều nhất. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ nhóm sản phẩm nay đang có xu hướng giảm từ năm ngoái.
Trái lại, tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ dạng sushi hay cá ngừ tẩm bột có xu hướng tăng. Do đó, đây là cơ hội cho các nước gia tăng xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xét về các sản phẩm chế biến, đóng hộp thì cá ngừ là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Anh. Thống kê của cơ quan Seafish, 69% lựa chọn của người dân Anh trong nhóm thủy sản đóng hộp là các sản phẩm cá ngừ. Ngoài ra, do đặc tính của dòng cá béo khá phù hợp với nhiều hình thức chế biến, một số sản phẩm cá ngừ chế biến khác của cá ngừ như salad, sốt phủ ăn kèm, bánh mì,… cũng rất được ưa chuộng tại thị trường này.
Tương tự như các thị trường khác tại khu vực châu Âu, người tiêu dùng tại Vương quốc Anh cũng có xu hướng chú trọng tới không chỉ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm tới các yêu tố về lao động, môi trường, hay tính bền vững của chuỗi giá trị trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Các yếu tố cơ bản khác như giá cả, cách thức chế biến và tính tương đồng trong bữa ăn, địa điểm sử dụng, cũng được quan tâm.
Tuy nhiên, tại thị trường Anh, sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ Ecuador, bởi, Ecuador đã ký được hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh. Điều này đang tạo điều kiện thuận lợi cho nước này gia tăng xuất khẩu sang Anh. Với đội tàu hùng mạnh, nguồn cung cá ngừ có xuất xứ thuần túy cho Ecuador khá dồi dào. Do đó, Ecuador có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Trong khi đó, theo VASEP, sản lượng đánh bắt tại Việt Nam vốn dĩ đã thấp hơn nước bạn nhiều do năng lực đánh bắt của đội tàu thấp hơn. Cộng với đó, quy định giới hạn về giới hạn kích cỡ cá ngừ vằn được phép khai thác đang khiến cho sản lượng ngày càng thấp hơn.
Dù vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu, cá ngừ của Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường Anh nhờ những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Theo cam kết tại Hiệp định UKVFTA, về thuế quan, hiệp định này có cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA, đồng nghĩa với việc mức thuế nhập khẩu đối với các loại sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh sẽ nhanh chóng được loại bỏ.
Mức thuế cho sản phẩm cá ngừ đông lạnh hoặc phi lê sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 3 năm từ mức 18% về 0%. Đối với cá ngừ chế biến sử dụng cho cá ngừ đóng hộp - tỉ lệ cơ bản 24% sẽ được giảm trong lịch trình 7 năm.
Đối với cá ngừ đóng hộp và bao gói, mức hạn ngạch sẽ là 11.500 tấn mỗi năm sẽ được miễn thuế. Sau đó, mức thuế như ban đầu 20,5% sẽ được áp dụng, mức thuế này sẽ giảm 3,5% mỗi năm. “Với thoả thuận này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường Anh” - Cục Xuất nhập khẩu thông tin và cho biết thêm, để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định UKVFTA đã cam kết, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Quy định về Quy tắc xuất xứ trong UKVFTA tương tự với EVFTA, với tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong UKVFTA là xuất xứ thuần túy. Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo Hiệp định UKVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài hiệp định.
Vì vậy, để thúc đẩy mặt hàng cá ngừ sang thị trường Anh, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất và chế biến hiện đại, từ đó tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm, giúp thủy sản Việt tiến dần tới các tiêu chuẩn quốc tế và tạo lợi thế cạnh tranh.
Cùng với đó, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và gia tăng các sản phẩm chế biến sâu. Lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của doanh nghiệp; chú trọng tìm hiểu thị hiếu, đặc trưng thị trường.
Văn Lực, Bộ Công Thương