Singapore là thị trường trung chuyển, là trung tâm thương mại của khu vực và thế giới, do đó, đây là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, ngày 4/9/2024, tại Mariba Bay Sands Singapore, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội các ngành công nghiệp thủy sản Singapore (SIAS), Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngành hàng thủy sản Việt Nam tại Singapore.
Chương trình xúc tiến thương mại ngàng hành thủy sản Việt Nam tại Singapore nằm trong khuôn khổ hội chợ triển lãm SEAFOOD EXPO ASIA 2024 với sự tham gia của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 360 doanh nghiệp tham gia. Việt Nam có 16 doanh nghiệp thủy sản từ Việt Nam sang tham gia gian hàng. Dự kiến Hội chợ triển lãm sẽ thu hút khoảng 9.000 đối tác thăm quan.
Ông Cao Xuân Thắng - Trưởng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore nhấn mạnh, đây là hoạt động triển khai cụ thể hóa Chương trình ngoại giao kinh tế năm 2024 nhằm thúc đẩy hiệu quả cao, xúc tiến đầu tư công nghiệp vào Việt Nam, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore... tại địa bàn.
Cùng với đó, hoạt động này cũng góp phần cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TW, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực phát triển kinh tế - xã hội trong nước... cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Cũng theo Thương vụ, Singapore là thị trường trung chuyển, là trung tâm thương mại của khu vực và thế giới, rất có tiềm năng cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Do vậy, sự kiện sẽ là cánh cửa giúp các sản phẩm Việt Nam tiếp cận với các nhà mua hàng của các tập đoàn bán lẻ, các chuỗi khách sạn, nhà hàng đa quốc gia và các nhà nhập khẩu của các nước, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến.
Bên cạnh đó, việc quảng bá thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế nhằm tăng giá trị thương hiệu cũng là một khâu quan trọng để tăng giá trị hàng hóa Việt Nam.
"Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Singapore, việc triển khai lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện các hoạt động triển lãm, trưng bày sản phẩm, lồng ghép với các hoạt động xúc tiến đầu tư công nghiệp, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, tăng sự hiện diện hàng hóa Việt Nam,… tại địa bàn là rất cần thiết và mang lại hiệu quả cao" - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore nhận định.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam và Singapore hàng năm đạt khoảng 110 triệu SGD, chiếm 9% thị phần Singapore. Xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản trở thành đối tác xuất khẩu lớn thứ 5 vào thị trường Singapore liên tiếp trong 2 quý đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore đạt gần 52 triệu SGD, tăng 0,81% và chiếm 9,45% thị phần.
Đáng chú ý, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 15 nước đang cạnh tranh khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Singapore, Việt Nam vươn lên trở thành 1 trong 5 nước xuất khẩu nhiều thủy sản vào thị trường này. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng 3,22% (giá trị xuất khẩu đạt hơn 24 triệu SGD) và mới chỉ chiếm 8,58% thị phần.
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký VASEP nhìn nhận, với nhu cầu tiêu dùng nội địa, Singapore có hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ số lượng lớn du khách với nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng.
“Xét về quy mô, Singapore dù là thị trường tiêu thụ nhỏ nhưng là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam nói chung, thủy sản nói riêng tiếp cận nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới” - bà Lan nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lan, trong khi Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, chế biến thì các doanh nghiệp Singapore lại có kỹ năng thương mại quốc tế rất tốt. Việt Nam và Singapore đều là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do trong khu vực và thế giới, vị trí địa lý gần nhau rất thuận tiện cho vận chuyển.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng việc hợp tác thương mại với các doanh nghiệp Singapore để tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia, khu vực khác nhau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng cần nghiên cứu và lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp để tạo lợi thế cạnh tranh.
Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông