Với những tín hiệu tích cực trong thời gian vừa qua, việc đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm thúc đẩy xuất khẩu cà phê sang Liên minh châu Âu (EU) là vô cùng cần thiết.
Tiềm năng từ thị trường EU
Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam trong năm 2023 vẫn là EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga… Trong đó, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 600.548 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, chiếm 37% về lượng và 35% về trị giá trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Tuy nhiên, so với năm 2022 xuất khẩu cà phê sang EU giảm 12,8% về lượng và giảm 0,7% về trị giá.
Theo Eurostat, trong năm 2023, Italia nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nguồn cung ngoại khối EU, gồm: Brazil, Việt Nam, Uganda, Ấn Độ, Tanzania,… Trong đó, lượng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 150,13 nghìn tấn, trị giá 345,38 triệu USD. Đáng chú ý, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Italia từ thị trường ngoại khối EU tăng từ 23,13% năm 2022 lên 24,04% trong năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt xấp xỉ 398,82 nghìn tấn, trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 16,4% về lượng và tăng 68,0% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Về chủng loại, cà phê Robusta là chủng loại xuất khẩu chính tới thị trường EU, chiếm tỷ trọng hơn 90% trong tổng xuất khẩu cà phê sang EU. Kim ngạch xuất khẩu trung bình mặt hàng này tới EU đạt 1,025 tỷ USD/năm, với mức giảm bình quân 2,8%/năm trong giai đoạn năm 2015 – 2020. Đứng thứ hai là cà phê Arabica với kim ngạch xuất khẩu trung bình mặt hàng đạt 65,6 triệu USD/năm, giảm bình quân 0,6%/năm trong giai đoạn năm 2015 – 2020. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cà phê nhân, chiếm hơn 95% tổng giá trị xuất khẩu cà phê sang EU. Cà phê nhân Việt Nam được các nhà nhập khẩu châu Âu sử dụng để phối trộn với cà phê Arabica chất lượng cao hơn để sản xuất cà phê hòa tan và viên nén cà phê.
Nâng tầm giá trị cà phê xuất khẩu
Hiện nay, dù chất lượng và sản lượng cà phê của Việt Nam nổi tiếng trên thế giới, song các thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn còn mờ nhạt. Theo nhận định của các chuyên gia, thương hiệu chính là yếu tố tiên quyết làm nên uy tín và góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm. Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế cho rằng, doanh nghiệp cần chung tay với nông dân để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng. Để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt, cần chú trọng đầu tư sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam vì hiện nay rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê xuất khẩu ra thế giới.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần trực tiếp tham gia vào quá trình chế biến sâu và xuất khẩu, thay vì để các đại lý thu mua lại chính sản phẩm của mình và xuất hiện trên thị trường dưới tên của những thương hiệu nước ngoài. Nước ta cần gia tăng việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam với các giá trị như chất lượng, bền vững và đa dạng. Đồng thời thực hiện các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ nhằm tăng cường sự nhận thức và hấp dẫn đối với sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường châu Âu”, ông Cường nhấn mạnh.
Từ trước tới nay, châu Âu vẫn luôn được biết tới là thị trường “khó tính” nên các tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu châu Âu phải được đảm bảo nghiêm ngặt. Muốn mở rộng con đường cho cà phê sang EU, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cần có giải pháp căn cơ, phải đặc biệt lưu ý những yêu cầu như: An toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát chất gây ô nhiễm trong thực phẩm; kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu; độc tố nấm mốc; ô nhiễm vi sinh; dung môi chiết xuất; truy xuất nguồn gốc; tuân thủ và trách nhiệm trong thực phẩm; ghi nhãn thực phẩm.
Đặc biệt, trong bối cảnh EU cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng từ cuối 2024, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam khuyến cáo các địa phương cần kiểm soát người dân sống vùng gần rừng và ngăn chặn hành vi phá rừng để trồng cà phê. “Chúng ta phải tập trung phát triển sản xuất cà phê đáp ứng được tiêu chuẩn cà phê sạch của yêu cầu thị trường. Nếu chúng ta cứ làm như quy cách lâu nay, không theo quy cách thì sản phẩm của chúng ta sẽ không tiêu thụ được”, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.
Cuối cùng, việc tìm hiểu rõ tâm lý người tiêu dùng tại EU sẽ là điều cần thiết trong việc xuất khẩu cà phê. Trong khi người Việt Nam ưa chuộng cà phê đậm, đắng của Robusta khi pha bằng phin và thêm sữa đặc thì người EU lại thích cà phê Arabica với vị nhạt hơn và chua. Nhu cầu tìm kiếm cà phê ngon và chất lượng cao là chung ở khắp khu vực này. Chính vì vậy, việc phát triển các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng như cà phê hữu cơ, cà phê chất lượng cao, cà phê hương vị đặc biệt, và cà phê có nguồn gốc địa lý đặc trưng sẽ giúp doanh nghiệp không ngừng mở rộng cơ hội xuất khẩu đối với thị trường tiềm năng như EU.
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp