Nhận định cơ hội và thách thức của EVFTA, từ đầu năm 2020, Đồng Tháp đã triển khai các văn bản chỉ đạo về EVFTA; tổ chức hội thảo tuyên truyền về hiệp định...
Triển vọng tích cực
EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Hiệp định EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế nước nhà. Nhận định rõ cơ hội và thách thức của EVFTA, từ đầu năm 2020, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về EVFTA; tổ chức hội thảo chuyên đề tuyên truyền phổ biến về hiệp định cũng như cơ hội, thách thức mà hiệp định mang lại cho các sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp còn ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung một số nội dung, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường các nước EU; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn, các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; những vấn đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...
Theo bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp: EVFTA được ký kết trên tinh thần hợp tác toàn diện, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và EU. Đây là một trong những FTA thế hệ mới kỳ vọng mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại - đầu tư với một trong những đối tác lớn nhất và quan trọng nhất. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Đồng Tháp và thị trường EU đạt 103,7 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt 95 triệu USD, chiếm khoảng 10% so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh; nhập khẩu đạt 8,7 triệu USD. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Đồng Tháp và thị trường EU có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là mặt hàng thủy sản tăng trưởng mạnh, bánh phồng tôm và sản phẩm sau gạo.
Đặc biệt trong năm 2022, Đồng Tháp xuất sang châu Âu "Xoài Cao Lãnh". Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong giai đoạn hậu Covid-19, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định chất lượng, thương hiệu nông sản Việt; đồng thời phát đi tín hiệu tốt cho ngành nông sản của Đồng Tháp thời gian tới.
Để đảm bảo cũng như nâng cao chất lượng hàng nông sản, thời gian qua, Đồng Tháp chú trọng đẩy mạnh triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc; phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; phát triển nông thôn toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “Làng thông minh”, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu
Trong bức tranh kinh tế của Đồng Tháp, hoạt động thương mại ngày càng phát huy tốt vai trò lưu thông cung ứng hàng hóa, góp phần đáng kể cho các ngành sản xuất phát triển. Nhiều doanh nghiệp thương mại trên địa bàn đã chú trọng hơn đến thị trường EU. Một số sản phẩm, hàng hóa, nông sản của tỉnh như: Trái cây, rau củ quả, nem, bánh phồng tôm, các sản phẩm sau gạo… không chỉ có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống doanh nghiệp phân phối lớn trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có EU.
Tuy nhiên từ thực tế, cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp chia sẻ: Dù đã có bước phát triển đáng kể song cơ sở hạ tầng cần có sự đầu tư đồng bộ, thuận tiện hơn sẽ góp phần vào sự gia tăng doanh thu chung của hoạt động thương mại.
Hiện nay, Đồng Tháp có 7 cửa khẩu, trong đó 2 cửa khẩu quốc tế và 5 cửa khẩu phụ. Thời gian qua, hoạt động thương mại hàng hóa qua biên giới được tỉnh tạo điều kiện thông thoáng cho người dân, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới, cửa khẩu, giúp phát triển kinh - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các ngành chức năng và các địa phương biên giới kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Tỉnh Đồng Tháp vừa có kiến nghị Bộ Ngoại giao phối hợp các bộ, ngành báo cáo Chính phủ sớm xem xét cho phép Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) có chức năng quản lý đường bộ vì hiện là cửa khẩu quốc tế đường sông; nâng cấp Cửa khẩu Mộc Rá (TP. Hồng Ngự) thành cửa khẩu chính, giúp thúc đẩy hoạt động thương mại đường bộ qua biên giới...
Với vai trò của mình, nhằm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là vào EU, ngành Công Thương Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh, chú trọng xúc tiến thương mại ngoài nước, mở rộng thị trường nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới và xuất khẩu các mặt hàng mới, mặt hàng có giá trị gia tăng cao; liên kết với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hợp tác tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tham gia hoạt động phát triển thị trường thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng xúc tiến thương mại sang khai thác thị trường có nhu cầu lớn về các loại nông sản, hàng hóa phù hợp với đặc điểm, điều kiện sản xuất của tỉnh như EU…; khuyến khích doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm liên kết chặt chẽ với người sản xuất cung ứng nguyên liệu để thực hiện quy trình sản xuất sạch, an toàn và có truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu phổ biến của các nước nhập khẩu, đồng thời cũng là giấy thông hành vào thị trường cao cấp.
Huy động đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại, ưu tiên xây dựng hệ thống kho, bãi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa, hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản, thực phẩm; khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, phát triển mạng lưới siêu thị tại các đô thị trung tâm huyện, thị xã, thành phố theo hướng hiện đại hóa...
Bích Ngọc, Văn phòng CBĐLNKT