Tin tức

Hiện, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Vương quốc Anh từ sau khi thực thi Hiệp định UKVFTA khởi sắc rõ nét. Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Ông Bob Fletcher - Giám đốc Dịch vụ hải quan và Thương mại toàn cầu, Deloitte Vietnam đã có những chia sẻ về tác động của Hiệp định UKVFTA đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Anh tại Việt Nam.

Hiệp định UKVFTA mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam
Những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Anh đang quan tâm, tăng cường đầu tư hợp tác tại Việt Nam như năng lượng gió, truyền tải và lưu trữ năng lượng, dịch vụ tài chính... Ảnh: TTXVN

Thưa ông, sau một thời gian thực thi thì ông có thể đánh giá Hiệp định UKVFTA đã có tác động và đem lại những kết quả như thế nào đối với hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Vương quốc Anh tại Việt Nam?

Kể từ thời điểm triển khai Hiệp định UKVFTA từ tháng 5 năm 2021, tôi nhận thấy Hiệp định đã mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam. Những lợi ích này bao gồm việc giảm thuế quan và mở rộng tiếp cận thị trường.

Theo đó, liên quan đến lợi ích giảm thuế quan UKVFTA hỗ trợ giảm thuế quan đối với 99% hàng hóa có xuất xứ trong các giao dịch mua bán giữa Anh và Việt Nam tính đến năm 2027. Điều này đã khiến các sản phẩm Anh trở nên có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường Việt Nam và lượng hàng hóa xuất khẩu từ Vương quốc Anh sang Việt Nam cũng được tăng lên đáng kể.

Về mở rộng tiếp cận thị trường, Hiệp định UKVFTA đã đơn giản hóa các thủ tục và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp Anh có dự định thành lập, đầu tư, tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, Hiệp định cũng đã mở ra những cơ hội mới để cho các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ và năng lượng tái tạo.

Đối với hoạt động đầu tư, bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam vẫn tăng tích cực. Theo đó Anh hiện nay đang đứng thứ 15 trên tổng số 143 nước có hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp Anh đang quan tâm đầu tư, tăng cường đầu tư hợp tác tại Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy các lĩnh vực bao gồm: Năng lượng tái tạo như năng lượng gió, truyền tải và lưu trữ năng lượng; dịch vụ tài chính, bảo hiểm, máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực giáo dục, đồ uống và thực phẩm, công nghiệp ô tô...

Hiệp định UKVFTA mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam
Ông Bob Fletcher - Giám đốc Dịch vụ hải quan và Thương mại toàn cầu, Deloitte Vietnam. Ảnh: TCCT

Ngoài những thuận lợi, đâu là những khó khăn trong hợp tác, đầu tư tại Việt Nam đối với doanh nghiệp Anh, theo ông?

Đề cập đến khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp Anh đang gặp phải trong việc đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, theo quan điểm cá nhân tôi, chúng ta nên nhìn dưới góc độ là cơ hội và thách thức.

Cụ thể, về cơ hội cho các doanh nghiệp Anh, trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi, các doanh nghiệp Anh hiện nay có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường đang phát triển năng động như Việt Nam, đồng thời trong tương lai tính đến năm 2027 có thể đạt tới mức giảm thuế 99% cho hàng hóa nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam.

Tiếp theo, các doanh nghiệp Anh có cơ hội tiếp cận các lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, tận dụng các vị trí chiến lược và dễ dàng kết nối với các khu vực khác xung quanh Việt Nam để phân phối các sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Và cuối cùng là tiếp cận với các hỗ trợ cũng như ưu đãi đầu tư do Chính phủ Việt Nam hiện đang ban hành cho các doanh nghiệp Anh đầu tư vào Việt Nam.

Còn về những thách thức, theo kinh nghiệm của tôi, hiện nay một số doanh nghiệp Anh gặp thách thức trong việc tìm hiểu các quy định của Việt Nam, vì các thủ tục cũng như các quy định bắt buộc liên quan đến hoạt động đầu tư và vận hành có thể khác biệt so với quy định của phương Tây và nước Anh. Thiếu hụt trong lao động có chất lượng và chuyên môn hóa cho một số ngành, lĩnh vực nhất định; hay một số hạn chế liên quan đến năng lực cơ sở hạ tầng như vận tải, hậu cần, cung cấp năng lượng.

Bên cạnh đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những bất ổn kinh tế toàn cầu cũng có thể đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp Anh khi tiến hành hoạt động tại Việt Nam; việc thích ứng với các chuẩn mực văn hóa cũng như thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam, rào cản ngôn ngữ cũng có thể gây trở ngại trong việc giao tiếp và đàm phán giữa các doanh nghiệp Anh và Việt Nam.

Trong quá trình liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ và tham gia chuỗi cung ứng cũng như hợp tác xây dựng thương hiệu với các doanh nghiệp Anh, theo ông doanh nghiệp Việt Nam nhận được các lợi ích cụ thể nào?

Trên cơ sở kinh nghiệm và quan sát thực tế của chúng tôi, một số lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam nhận được khi tham gia hợp tác chuyển giao công nghệ, chuỗi cung ứng và xây dựng thương hiệu với các doanh nghiệp Anh.

Đầu tiên, việc tiếp cận các thị trường mới, tận dụng mạng lưới và kiến thức chuyên môn về các thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Anh giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng việc xuất khẩu sang các thị trường mới, đa dạng hóa khách hàng và tăng cường doanh thu xuất khẩu.

Còn về tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, thông qua hợp tác với các doanh nghiệp Anh, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp lý hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Từ đó, thời gian giao hàng nhanh hơn, quản lý hàng tồn kho tốt hơn và tránh lãng phí trong quá trình sản xuất.

Đối với việc nâng cao năng lực công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Vương quốc Anh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được tiếp xúc các tiêu chuẩn cao của thị trường Anh, điều này sẽ giúp cải thiện hiệu suất tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp Việt Nam và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hoạt động.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội truy cập những kiến thức chuyên môn, cơ hội đào tạo quý giá khi hợp tác với các doanh nghiệp của Vương quốc Anh, từ đó nâng cao kỹ năng, năng lực của các nhân viên Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao uy tín và sự nhận diện trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó dẫn đến tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về thương hiệu và lợi thế cạnh tranh.

Trong bối cảnh hiện nay, ông có chia sẻ, khuyến nghị gì để doanh nghiệp hai bên có thể tăng cường liên kết và tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định UKVFTA?

Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Anh sẽ có sự cạnh tranh với nhà sản xuất của các nước khác. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu cần đáp ứng hoặc vượt mức tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu bởi Anh.

Điểm thứ hai liên quan đến tìm kiếm sự hỗ trợ và nguồn lực của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các chương trình sẵn có của Chính phủ, đồng thời liên hệ với các cơ quan xúc tiến thương mại, các phòng kinh doanh có chức năng hỗ trợ hợp tác kinh doanh, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Anh.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các công nghệ kỹ thuật số và các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng phạm vi tìm kiếm, tiếp tận thị trường, kết nối với người tiêu dùng một cách hiệu quả. Đồng thời sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để quản lý chuối cung ứng, quản lý quan hệ khách hàng cũng như marketing trực tuyến.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tham gia vào các hội chợ thương mại, sự kiện ngành để tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp Anh mong muốn có hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao nhận thức liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trước khi tiến hành xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Anh!

Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn