Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á đã có FTA với EU, do đó, tại thị trường Đức, hàng Việt có lợi thế cạnh tranh hơn so với hàng của nhiều nước khác.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). EVFTA được ký kết vào ngày 30/06/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, việc thực thi EVFTA đã và đang đem lại những cơ hội đặc biệt để tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên của EU, đặc biệt là Đức - một trong những thị trường EU quan trọng bậc nhất của xuất nhập khẩu Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu Việt Nam sang Đức có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2010 - 2020 với kim ngạch xuất khẩu tăng lên gấp 3 lần từ 2,37 tỷ USD vào năm 2010 lên 6,64 tỷ USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Đức giai đoạn này là 12,8%.
Cũng theo thống kê từ Thương vụ Việt Nam tại Đức, kể từ khi EVFTA được thực thi, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này rất khả quan. Tính đến hết tháng 9 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt trên 8,29 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt khoảng 5,57 tỷ USD (giảm 17,6%) và nhập khẩu từ Đức vào Việt Nam đạt trên 2,76 tỷ USD (tăng 2,8%) so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thủy sản sang Đức đạt gần 140 triệu Euro trong 9 tháng năm 2023, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong khối EU, Đức là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu. Điều này một phần là do sức mua của thị trường Đức lớn, phần khác có thể do Đức là cửa ngõ cho hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường khác tại châu ” - Thương vụ Việt Nam tại Đức nhận định và thông tin thêm, Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...) đã có FTA với EU, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác trong khu vực khi được hưởng ưu đãi thuế quan cũng như các lợi thế khác từ Hiệp định EVFTA.
Hơn nữa, với việc Việt Nam thực thi các cam kết về lao động, môi trường và phát triển bền vững trong EVFTA (vốn được thiết kế theo tiêu chuẩn EU), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tránh được phần nào các nguy cơ/rủi ro đến từ góc độ người tiêu dùng châu Âu (ví dụ như các chiến dịch tẩy chay sử dụng sản phẩm được sản xuất bởi người lao động trong môi trường không đảm bảo tiêu chuẩn hoặc bị bóc lột...).
Đặc biệt, theo Thương vụ Việt Nam tại Đức, hơn 3 năm trở lại đây, nhờ sức bật của EVFTA, thu hút FDI từ Đức vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Đức nằm trong số 3 nhà đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam, đứng thứ 18 trong tổng số 143 nước đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.363,67 triệu USD, 444 dự án.
Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kĩ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Một số tập đoàn lớn của Đức đã đầu tư vào Việt Nam như Siemens, Deutsche Bank, Bayer, Stock… Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: Daimler-Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes-Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim)...
Về đầu tư của Việt Nam vào Đức, hiện có 37 dự án đầu tư vào Đức với tổng số vốn đăng ký là 283,3 triệu đô la Mỹ trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, tin học, bán buôn bán lẻ ô tô, xe máy, dịch vụ ăn uống và lưu trú, thương mại...
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Đức, thời gian qua, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng ngày càng cao và đang dần chinh phục được các thị trường khó tính trong đó có thị trường EU nói chung và thị trường Đức nói riêng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư bài bản và dài hạn cho sản xuất, xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn cao để xuất khẩu đi các thị trường phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm...
Dù vậy Thương vụ vẫn cho rằng, Đức là thị trường tiềm năng, song để xuất khẩu vào thị trường này doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng cá tiêu chuẩn khắt khe. Chẳng hạn các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nhập khẩu khác của Đức cũng như EU rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam. Các chế tài xử phạt đối với việc vi phạm các quy định nhập khẩu cũng rất nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của Đức có nguy cơ buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ.
Hơn nữa, Đức có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cao dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Đức như một số nước Nam Mỹ, Bắc Phi.
Để xuất khẩu sang thị trường Đức, theo Thương vụ Việt Nam tại Đức doanh nghiệp cần lưu ý về các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của EU đối với sản phẩm đồ gỗ, dệt may, giày dép như các quy định liên quan đến an toàn sản phẩm, hạn chế sử dụng một số hóa chất trong sản phẩm, quy định về gắn nhãn CE… và đặc biệt là các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
“Các doanh nghiệp lưu ý về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA” - Thương vụ khuyến cáo và phân tích thực tế nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác.
Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này. Khi bị nghi ngờ về xuất xứ, Hải quan Đức sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu đóng khoản thuế bảo lãnh và khoản thuế này sẽ được hoàn lại khi có kết quả xác minh tính chính xác của bộ chứng từ về quy tắc xuất xứ theo quy định trong EVFTA.
Thu Huyền, Bộ Tài chính