Diễn đàn thương mại Việt Nam - Á Âu được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên và mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của nhau .
Tiếp nối thành công của Diễn đàn năm 2022, ngày 24/11, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Á Âu với chủ đề “Thích ứng bối cảnh - Khai phá tiềm năng”. Diễn đàn được diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Diễn đàn thương mại Việt Nam - Á Âu là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức với mục tiêu cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường của các nước trong khu vực, thông qua đó hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang khu vực Á Âu, mà còn nghiên cứu khả năng hợp tác đầu tư giữa hai Bên.
Khai mạc Diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhấn mạnh, thị trường Á - Âu (Eurasia) là thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với nhiều dư địa hợp tác.
Thị trường Á - Âu là liên khu vực rộng lớn gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP gần 4500 tỷ USD. Đây cũng là khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, kim loại màu, than đá, ngũ cốc...
Về hợp tác thương mại, dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động bất thường, với nhiều khó khăn, thách thức, thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu chỉ đạt 13,3 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, giảm 13,1%, nhập khẩu đạt 4,67 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 9 tháng năm 2023, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khu vực Eurasia đạt 9 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này là 6,3 tỷ USD, giảm 1,2%; nhập khẩu đạt 2,7 tỷ USD, giảm 19%.
“Mặc dù giao thương hàng hóa giữa hai Bên bị sụt giảm trong thời gian vừa qua, tuy nhiên khu vực Á - Âu vẫn là một thị trường giàu tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam” - Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh nhận định và dẫn chứng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Á - Âu chỉ chiếm khoảng 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này. Các dự án đầu tư từ khu vực Á - Âu hiện chỉ chiếm khoảng 0,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Chưa kể, Việt Nam và khu vực Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương. Trong đó, phải nhắc đến các Hiệp định thương mại tự do: VN-EAEU FTA, EVFTA và EVIPA... Cùng với đó là 14 Ủy ban Hỗn hợp/Ủy ban liên Chính phủ và một cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương... Có thể nói, những cơ chế hợp tác này đã và đang được triển khai hiệu quả, làm cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước Á - Âu tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, khu vực Á - Âu cũng là nơi đông đảo cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống. Do vậy, việc thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam và cộng đồng người Việt tại khu vực này sẽ hỗ trợ cho hợp tác về thương mại và đầu tư của Việt Nam với Á - Âu được hiệu quả và thực chất hơn.
Chia sẻ xu hướng và cơ hội trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Azerbaijan, Đại sứ nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam - ông Shovgi Mehdizada cho biết, cơ hội hợp tác giữa hai bên còn rất rộng. Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước là 255,479 nghìn USD đến năm 2022 là 594,609 nghìn USD và 10 tháng năm 2023 là 462,347 nghìn USD. Theo Đại sứ Shovgi Mehdizada, trong thời gian tới, Việt Nam và Azerbaijan có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực tiềm năng như: Thương mại, năng lượng cơ sở hạ tầng, trao đổi văn hóa…
Giới thiệu về tiềm năng hợp tác với Kazakhstan, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh thông tin, Kazakhstan là quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi trong kết nối giao thương giữa Việt Nam với khu vực Trung Á, Nga và châu Âu. Năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Kazakhstan đạt 28 tỷ USD, tăng 17,5% so với năm 2021. 10 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Kazakhstan bao gồm: Hà Lan, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Bỉ, LB Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Lĩnh vực chủ yếu được các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng bao gồm: Chế tạo máy, năng lượng tái tạo, luyện kim và khai thác khoáng sản, công nông nghiệp. Tháng 10/2022, Việt Nam cũng đã mở đường bay thẳng với Kazakhstan do hãng Vietjet khai thác kết nối các thành phố Almaty, Astana và thành phố Nha Trang. Đây là cơ hội vô cùng lớn để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước.
Tương tự, cập nhật cơ hội thúc đẩy hàng hóa vào thị trường khu vực Tây BalKan trong bối cảnh nước này chuẩn bị gia nhập EU, Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria cho biết, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Tây BalKan còn rất khiêm tốn. Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Tây Balkan ở mức dưới 20 triệu USD/năm. Trong đó, Serbia là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt xấp xỉ 7 triệu USD/năm.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang khu vực Tây Balkan là: Cà phê hòa tan, chè, gia vị, thủy hải sản, dệt may, giày dép... Các mặt hàng có thế mạnh khác của Việt Nam là dệt may, giày dép, đồ gỗ... thì kim ngạch xuất khẩu còn khá nhỏ, chiếm chưa tới 1% thị phần khu vực này. Đáng chú ý, hiện nay, hàng hóa Việt Nam đang được xuất khẩu vào khu vực Tây Balkan thông qua nước trung gian tại châu Âu, đặc biệt là Đức, Italia, Hungaria, CH Czech.
Phân tích nguyên nhân, Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria cho rằng đó là do điều kiện vị trí còn xa, chưa có đường bay trực tiếp; thị trường phân tán, nhỏ lẻ và có sức mua còn yếu khi GDP bình quân đầu người còn ở mức thấp... Để khắc phục những thách thức này, Thương vụ cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần coi khu vực Tây Balkan là một thị trường chung. Rộng hơn nữa, có thể coi toàn bộ khu vực Balkan là một thị trường với những đặc tính tương đồng để thích ứng với bối cảnh thị trường.
Diễn đàn thương mại Việt Nam - Á Âu là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức
Để cụ thể hóa những cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Á - Âu, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh khẳng định, Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đa phương tại Khu vực Á Âu, sẽ tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, các Cơ quan đại diện thương mại của các nước trong khu vực, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng cơ hội hợp tác mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp tổng thể để thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường châu Âu - châu Mỹ nói chung và thị trường khu vực Á Âu nói riêng” - ông Tạ Hoàng Linh khẳng định.
Thu Huyền, Bộ Tài chính