Nông sản Việt được thị trường Bắc Âu ưa chuộng
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, Bắc Âu là một trong những thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam. Đơn cử, đối với ngành hàng thủy sản, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu chủ yếu hai mặt hàng là tôm và phi lê cá đông lạnh. Đối với cá tra và tôm sú, Việt Nam chi phối thị phần nhập khẩu khi hầu hết các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Việt Nam.
Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã tăng thêm sức cạnh tranh cho hàng thủy sản Việt Nam, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Bắc Âu với mức giá cao hơn xuất khẩu qua trung gian.
Ngoài thủy sản, cà phê là mặt hàng nhiều tiềm năng thâm nhập vào thị trường Bắc Âu. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, các nước Bắc Âu tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Trong đó, Na Uy đứng thứ hai, chỉ sau Phần Lan; Đan Mạch đứng thứ tư và Thụy Điển đứng thứ sáu. Ngoài ra, với Hiệp định EVFTA, Liên minh châu Âu (EU) cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là một lợi thế đối với cà phê Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Bắc Âu.
Mặc dù các nước Bắc Âu nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica, nhưng theo phân tích của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), mặt hàng cà phê nhân chưa rang, chưa khử caffein của Việt Nam vẫn còn dư địa để khai thác tại thị trường này. Tuy nhiên, ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể hướng tới phát triển thương hiệu cà phê đặc sản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Đan Mạch đạt khoảng 1,5 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu rau quả, hạt điều, cao su sang các nước Bắc Âu. Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Na Uy 5 tháng đầu năm đạt gần 986.000 USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu hạt điều sang Na Uy đạt gần 3,2 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Bắc Âu mặc dù dân số không lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này rất ấn tượng, nhất là với các sản phẩm như: Gạo, cà phê, trái cây, hạt điều… Hiện nay, Hiệp định EVFTA đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này.
Để nông sản Việt chắc chân ở thị trường Bắc Âu
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Hoàng Thuý – tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu khẳng định, đối với nông sản, thực phẩm, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động với môi trường. Người tiêu dùng tại thị trường này đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các thực phẩm thay thế thịt. Do vậy, các thực phẩm từ thực vật có hàm lượng protein cao sẽ được đón nhận, ví dụ như mít non đóng hộp là một thực phẩm thay thế thịt được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Bắc Âu rất ý thức vấn đề bảo vệ môi trường, do vậy họ thường quan tâm đến nhãn mác. Tại Bắc Âu, nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu là nhãn sinh thái chính thức của tất cả các nước Bắc Âu: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu nỗ lực trong việc giảm tác động môi trường từ sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng và người mua dễ dàng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tốt nhất cho môi trường. Do vậy, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái sẽ dễ dàng được tiêu thụ tại các thị trường Bắc Âu.
Đối với hàng nông sản, thực phẩm, một số lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam là nên tập trung vào các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm và chứng nhận đã trở thành khía cạnh hàng đầu trong thương mại sản phẩm rau quả. Người mua ngày nay quan tâm đến vấn đề chứng nhận như với chính sản phẩm.
Riêng với cà phê, xu hướng phát triển xanh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường không còn là mới. Tuy nhiên, các vấn đề này đang dần được luật hóa tại EU. Ví dụ, quy định chống phá rừng của EU được Nghị viện thông qua ngày 29/6/2023, áp dụng từ ngày 30/12/2024.
“Đối với ngành cà phê, các nhà xuất khẩu phải đảm bảo cà phê của họ không có nguồn gốc từ đất bị phá rừng hoặc suy thoái. Chỉ khi đó, họ mới có thể xuất khẩu cà phê sang EU nói chung và cà phê nói riêng” – bà Thuý cho hay.
Đối với các sản phẩm hữu cơ, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến điều kiện sản xuất và nông trại, cả vấn đề môi trường và xã hội. Các nước Bắc Âu cũng có xu hướng giảm các sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường. Nhiều người tiêu dùng thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn giá thông thường khoảng 20-50% để đảm bảo rằng các sản phẩm họ tiêu thụ là các sản phẩm thân thiện với môi trường và công bằng xã hội. Theo dự báo, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần hiện tại.
Ngoài ra, còn một mặt hàng khác mà các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu và khai thác trong thời gian tới, đó là màu thực phẩm tự nhiên. Hiện ngày càng có nhiều người tiêu dùng Bắc Âu muốn thực phẩm không có chất phụ gia nhân tạo. Do đó, các nhà sản xuất thực phẩm Bắc Âu đang chuyển sang sử dụng màu thực phẩm tự nhiên. Sự thay đổi từ các thành phần tổng hợp sang tự nhiên này tạo cơ hội cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hợp tác với ngành thực phẩm và đồ uống Bắc Âu.
TS. Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT