Tin tức

Đến nay, Việt Nam tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia về FTA còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực thi hiệu quả các FTA. Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Đẩy mạnh đào tạo, tháo gỡ kịp thời tình trạng thiếu hụt nhân lực về FTA
Mức độ tận dụng FTA của các doanh nghiệp còn khiêm tốn do nguồn nhân lực về FTA còn hạn chế. Ảnh: TTXVN

Nguồn nhân lực được đánh giá là một trong các rào cản, hạn chế tác động đến hiệu quả tận dụng FTA của các doanh nghiệp và địa phương. Xin bà chia sẻ thêm về vấn đề này?

Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã và đang thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Trong nội dung cam kết các Hiệp định thương mại tự do không chỉ có lĩnh vực truyền thống mà còn bao gồm những lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... Nội dung cam kết tương đối phức tạp và có rất nhiều những tiêu chuẩn cao đòi hỏi phải có một đội ngũ nguồn nhân lực có thể hiểu sâu và hiểu rõ để có thể giúp các cơ quan quản lý ở cấp địa phương cũng như doanh nghiệp thực thi hiệu quả.

Thực tế chúng ta có thể thấy được rằng trong thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp đã rất nỗ lực đồng hành cùng nhau để có thể nâng cao hiệu quả thực thi các FTA. Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng các FTA này còn tương đối hạn chế. Với những FTA chúng ta có những kết quả tốt như EVFTA cũng chỉ đạt được ở mức khoảng 26% hoặc những FTA như CPTPP thì chỉ ở mức 5%.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trở ngại cho việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được các FTA , trong đó nguyên nhân vô cùng quan trọng chính là lực cản về nguồn nhân lực, nguồn nhân lực này khó khăn ở cả cấp độ Trung ương, cấp độ tỉnh, thành và cấp độ doanh nghiệp.

Ở cấp trung ương, ví dụ như Vụ Chính sách thương mại đa biên là đơn vị chủ trì tham gia việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA, nhưng đơn vị chuyên trách của chúng tôi cũng chỉ có 10 nhân sự thực hiện tất cả các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn cho đến khi thực thi. Khối lượng công việc rất lớn nên đòi hỏi một lực lượng chuyên trách phải nhiều hơn nữa để có thể đủ sức hỗ trợ cho các tỉnh, thành và doanh nghiệp thực thi các FTA.

Còn ở cấp độ địa phương, mỗi tỉnh thành chỉ có 5 - 7 nhân sự phụ trách về FTA, thậm chí có những tỉnh, thành chỉ được 1-2 nhân sự và bản thân những nhân sự đó phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau. Ví dụ họ phải thực hiện việc cấp C/O, quản lý xuất nhập khẩu… Bản thân các nhân sự đã kiêm nhiệm cũng chưa có điều kiện để được đào tạo chuyên sâu về các nội dung cam kết FTA. Ngoài ra, họ chưa sẵn sàng nắm bắt được những nội dung cam kết khó như về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ và xa hơn nữa trong quá trình thực thi.

Đối với cấp độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đến hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nên khả năng có được một bộ phận pháp chế, một bộ phận chuyên gia về FTA tương đối khó khăn; với nhiều doanh nghiệp lớn thì họ có nguồn lực để chuẩn bị nhưng đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thiết lập một bộ phận như vậy là một thách thức rất lớn.

 
 

Trước thực tế hiện nay, để thực thi các FTA, theo bà các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực sẽ như thế nào?

Thứ nhất, chúng ta phải gia tăng số lượng nguồn nhân lực, nguồn chuyên gia về FTA. Theo đó, ở cả cơ quan quản lý cấp trung ương và cơ quan quản lý cấp địa phương và doanh nghiệp phải bố trí được nhân lực chuyên trách về vấn đề FTA này. Riêng địa phương phải tăng nhân sự làm chuyên trách công tác FTA, giảm các công tác kiêm nhiệm như thế họ mới có điều kiện để tập trung vào nội dung chuyên môn về FTA và hỗ trợ thực thi các FTA này được tốt hơn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, chúng ta phải đào tạo đội ngũ chuyên gia FTA một cách bài bản và chuyên môn hơn. Về vấn đề này, trong thời gian vừa qua với sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và các địa phương và các hiệp hội cũng rất tích cực trong việc tổ chức rất nhiều các hội nghị, hội thảo, tập huấn. Nhưng chúng tôi cũng nhìn nhận thấy rằng quá trình triển khai trong thời gian vừa qua vẫn mang tính chất chung chung rất nhiều. Nội dung đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp và các tỉnh chưa đi sâu, đi sát vào những nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Thứ ba, ở cấp độ doanh nghiệp, nếu những doanh nghiệp có điều kiện xây dựng được một bộ phận chuyên gia về FTA là điều quá tốt. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi cũng hiểu khó khăn trong việc xây dựng hẳn một bộ phận chuyên gia riêng. Tuy nhiên, chúng ta có thể hình thành một nhân sự chuyên trách nhưng kết nối với những đơn vị có thể cung ứng được nhân lực về chuyên gia FTA để nhiều doanh nghiệp SME có thể hỏi cùng về một đơn vị cung ứng nhân lực về chuyên gia FTA. Như thế chúng ta cũng sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc phải thiết lập riêng một bộ phận cho mình.

Bộ Công Thương sẽ có hoạt động hỗ trợ như thế nào để có thể tháo gỡ khó khăn về vấn đề nhân lực trong thực thi FTA và xa hơn nữa là phát triển được một nguồn nhân lực đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của việc hội nhập kinh tế quốc tế, thưa bà?

Bên cạnh rất nhiều những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA, Bộ Công Thương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng một chương trình với các trường đại học và cao đẳng để hỗ trợ cho các địa phương và các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn FTA.

Hiện nay trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương chủ động làm việc với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng chương trình đào tạo cũng như hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn các FTA. Trên cơ sở chỉ đạo này trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ triển khai rất quyết liệt để có thể hướng tới xây dựng một nguồn nhân lực tốt hơn cho Việt Nam trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài để tận dụng các FTA.

Trước mắt Bộ Công Thương đang phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương của Bộ Công Thương xây dựng một khung tài liệu đào tạo chuyên gia FTA. Trong năm 2023 tập trung xây dựng tài liệu đào tạo cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và phát triển bền vững; năm 2024 và những năm tiếp theo Bộ Công Thương cũng đã có kế hoạch để đưa ra những chương trình đào tạo tổng thể và rất bài bản cũng như cụ thể cho từng lĩnh vực để có thể đáp ứng được nội dung đào tạo nhân lực về FTA.

Năm 2023 trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các tỉnh, thành, chúng tôi cũng bước đầu triển khai thí điểm đào tạo các lớp chuyên gia đầu tiên để có thể cung ứng được nguồn nhân lực ngay lập tức và tại chỗ cho các tỉnh, thành và cố vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi mà doanh nghiệp có nhu cầu. Về mặt lâu dài, chúng tôi đã bắt đầu triển khai việc thí điểm với một số trường đại học mà họ có khối ngành về kinh tế và đặc biệt về thương mại quốc tế để cân nhắc, xem xét lại những nội dung đào tạo cũng như sẽ thực hiện khảo sát đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường, đặc biệt là thị trường FTA để xác định chính xác nhu cầu về nhân lực.

Thu Hiên, Tạp chí cộng sản

Bộ Công Thương đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi FTA tại các địa phương (FTA Index) để có thể công bố vào cuối năm 2023. Thông qua FTA Index sẽ đánh giá kết quả thực hiện các FTA, tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.