Trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình giao thương và xúc tiến thương mại tại Đức.
Theo đó, ngày 5/10 tại trụ sở Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) ở Berlin đã diễn ra Hội nghị Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Đức và Chương trình giao thương do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) và DIHK tổ chức.
Đây là một trong những sự kiện lớn và quan trọng trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại, thu hút sự tham dự của hơn 50 đại biểu thuộc các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và Đức trong lĩnh vực y dược, dệt may, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, chế biến...
Giám đốc ngoại thương Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức Volker Treier đánh giá, hợp tác về kinh tế và thương mại giữa Đức và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm qua, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Đáng kể, các doanh nghiệp Đức đã tạo ra khoảng 50.000 việc làm ở Việt Nam và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Điều đó cũng cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường Việt Nam trong nỗ lực mở rộng, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Đức.
Ngoài ra, hiện hai bên có một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng và có cơ hội rất lớn bao gồm hợp tác về năng lượng tái tạo và dạy nghề, trong đó lĩnh vực đào tạo nghề không những thu hút lao động từ Việt Nam mà còn giúp đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động lành nghề vốn đang khan hiếm ở Đức.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược và tin cậy giữa Việt Nam và Đức trong hơn 12 năm qua đang phát triển hết sức tích cực, trên tất cả các lĩnh vực và ở các cấp, giúp đưa kim ngạch thương mại song phương tăng gấp hơn 2 lần, trong khi Đức cũng là một trong những nhà đầu tư rất quan trọng của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam – Đức bổ trợ lẫn nhau với tiềm năng hợp tác còn rất lớn. Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, các doanh nghiệp Đức làm ăn ở Việt Nam còn có cơ hội vươn ra các nước trong khu vực thông qua rất nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực mà Việt Nam đã ký kết.
Đại sứ Vũ Quang Minh hy vọng các doanh nghiệp hai nước có thể tận dụng tốt các cơ hội mang lại để tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, đồng thời kỳ vọng trong thời gian tới, Đức và Việt Nam có thể sớm ký kết một thoả thuận khung về hợp tác lao động nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này.
Tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, góp phần đáng kể cho tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, hoạt động thương mại và đầu tư giữa Đức và Việt Nam trong những năm gần đây là điểm sáng, nổi bật trong quan hệ song phương và hai nước đã ký nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế.
Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và đầu tư, Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Đức thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong việc kết nối, tìm kiếm đối tác và hợp tác phát triển.
Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT