Tin tức

Bảo hộ thương mại đã trở thành xu hướng trên toàn cầu

Sự suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của dịch bệnh và năm 2022 thương mại toàn cầu tiếp tục phát triển với tốc chậm lại khi cuộc xung đột ở Ukraina nổ ra và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Điều này dẫn tới xu hướng bảo hộ thương mại diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Xu hướng bảo hộ thương mại đang diễn ra như thế nào?
Ảnh minh họa

Báo cáo thường niên phòng vệ thương mại năm 2022 vừa được Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương công bố cho thấy, chính sách bảo bộ thương mại có thể có nhiều hình thức, trong đó thuế quan là biện pháp được sử dụng chủ yếu. Ngoài ra còn có các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh, hạn ngạch, kiểm soát trao đổi, giấy phép nhập khẩu, yêu cầu về thủ tục hải quan hay yêu cầu về quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt.

Theo báo cáo, chính sách bảo hộ thương mại có thể cho phép các chính phủ thúc đẩy thương mại và sản xuất trong nước đối với hàng hóa và dịch vụ, áp dụng trợ cấp thuế quan và hạn ngạch hoặc hạn chế hàng hóa và dịch vụ nước ngoài trên thị trường. “Tuy nhiên, về lâu dài, việc từ bỏ các chính sách thương mại tự do hoặc triển khai các biện pháp bảo hộ có thể gây ảnh hưởng cho các quốc gia như làm chậm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát”- báo cáo cho biết.

Các biện pháp bảo hộ thương mại có thể làm hạn chế nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài, khi hàng nhập khẩu được nhập với thuế suất cao thì giá của hàng hoá đó sẽ được bán với giá cao, khả năng cạnh tranh của hàng nhập khẩu bị giảm xuống. Bên cạnh đó, các chính sách này có thể bảo hộ các nhà sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại và sản xuất của các doanh nghiệp nội địa, hàng hoá nội địa có cơ hội tiếp cận thị trường ít cạnh tranh hơn do các chính sách bảo hộ đã hạn chế hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí giúp các nhà sản xuất có thể cạnh tranh để xâm chiếm thị trường nước ngoài.

Ngoài những ưu điểm mà các biện pháp bảo hộ thương mại đem lại, chúng vẫn tồn tại những nhược điểm nhất định. Khi các biện pháp bảo hộ được áp dụng thì các doanh nghiệp nội địa sẽ không nâng cao chất lượng hàng hoá để tăng khả năng cạnh tranh như trước nữa. Theo đó thì việc áp dụng các biện pháp bảo hộ sẽ gây mất cân bằng nền kinh tế, cô lập nền kinh tế với các quốc gia khác trên thế giới.

Báo cáo thường niên phòng vệ thương mại năm 2022 chỉ rõ, chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành xu hướng trên toàn cầu kể từ năm 2008, khi mà các quốc gia sử dụng các chính sách mới nhằm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nội địa trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của các chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn: Trung Quốc – Hoa Kỳ; Trung Quốc-Úc; Hoa Kỳ - EU; EU và Trung Quốc; hay Nga và các quốc gia phương Tây.

Các nền kinh tế này dùng các biện pháp bảo hộ như kết quả của căng thẳng chính trị và đe doạ an ninh, chứ không chỉ là mục đích bảo vệ thương mại nội địa. Điều này đã làm cho tình trạng phân chia các chuỗi giá trị, tổn thất kinh tế cho người sản xuất, doanh nghiệp, lạm phát và mức giá cao hơn cho người tiêu dùng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trước bối cảnh đó, sự ra đời của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã giải quyết phần nào các tác động tiêu cực mà xu hướng bảo hộ gây ra.

Dẫn dữ liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Báo cáo thường niên phòng vệ thương mại năm 2022 cho thấy, tính đến hết năm 2022, chỉ tính riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện đang có 279 FTA, trong đó có 183 FTA được ký kết và chính thức có hiệu lực (chiếm 66%), 81 FTA đang trong quá trình đàm phán, ngoài ra còn có 89 FTA đang được đề xuất.

Gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại

Các FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao gồm: Tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các FTA truyền thống; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% theo lộ trình hoặc ngay lập tức khi cam kết); có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, bao hàm nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, các FTA nói chung hay các FTA thế hệ mới nói riêng đều sẽ hướng tới mục tiêu xóa bỏ toàn bộ rào cản thương mại.

Thứ nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ 21. Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Úc hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. CPTPP bao gồm hầu như tất cả các lĩnh vực và khía cạnh của thương mại nhằm loại bỏ hoặc giảm bớt các rào cản. Hiệp định thiết lập các quy tắc giúp tạo ra một môi trường nhất quán, minh bạch và bình đẳng giữa các thành viên tham gia.

Thứ hai là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chính thức có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2022, Hiệp định hứa hẹn tạo nên thị trường khổng lồ gồm 2,27 tỷ dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 27.000 tỷ USD, chiếm 30,5% GDP thế giới.

RCEP được ký kết vào thời điểm đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến thương mại và đầu tư, dẫn đến đổ vỡ chuỗi cung ứng. Do vậy, việc Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực càng trở nên đặc biệt hơn. Với số lượng thành viên tham gia đông nhất, đa dạng nhất và tiềm năng phát triển lớn nhất, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của khu vực và thúc đẩy nền kinh tế các nước thành viên phát triển thịnh vượng.

Kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành lập, Quy định của WTO là cho phép sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như là các công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu. Để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các nước thành viên phải tiến hành điều tra theo các nguyên tắc, quy trình, thủ tục đã được quy định trong các hiệp định liên quan của WTO.

Báo cáo thường niên phòng vệ thương mại năm 2022 cho biết, số liệu thống kê của WTO, kể từ khi thành lập (năm 1995) đến hết tháng 12 năm 2022, trên toàn thế giới có 7.665 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra, tuy nhiên chỉ có 5.074 vụ điều tra dẫn đến áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo WTO, hiện tại có 3 công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng phổ biến là: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong ba biện pháp trên thì biện pháp chống bán phá giá được khởi xướng điều tra nhiều nhất, với 6.582 vụ việc, chiếm 86% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng bởi thành viên WTO. Trong khi đó, số vụ việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp và tự vệ lần lượt là 671 vụ (chiếm 9%) và 412 vụ (chiếm 5% tổng số vụ việc khởi xướng).

Trong số 5.074 vụ việc điều tra dẫn đến áp thuế chính thức, số vụ việc áp thuế chống bán phá giá chiếm tỉ lệ cao nhất với 4.463 vụ việc (chiếm 88%), chống trợ cấp chỉ có 403 vụ (chiếm 8%), và tự vệ là 208 vụ (chiếm 4%). Tính riêng đối với các nền kinh tế thuộc nhóm G208, trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2022 ghi nhận có 79 biện pháp phòng vệ thương mại đã được thực hiện (trong đó có 17 vụ việc khởi xướng và 62 vụ việc áp thuế chính thức), chiếm 41% tổng số các biện pháp thương mại mà nhóm này thực hiện.

Biện pháp chống bán phá giá tiếp tục là biện pháp được các nước thuộc nhóm G20 sử dụng nhiều nhất, chiếm 94% tổng số vụ việc khởi xướng và 87% tổng số vụ việc dẫn đến áp thuế chính thức. Sau khi số vụ việc phòng vệ thương mại đạt mức kỷ lục vào năm 2020, số vụ việc khởi xướng nhìn chung có xu hướng giảm trong giai đoạn này, trung bình 3,4 vụ mỗi tháng – con số thấp nhất kể từ năm 2012. Số vụ việc dẫn đến áp thuế chính thức cũng chỉ đạt trung bình 12,4 vụ việc trong một tháng – thấp nhất kể từ năm 2017.

Xuân Tâm, Cục Phòng vệ TM