Giá cà phê đã liên tục tăng trong thời gian qua. Thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục có được sự khởi sắc với mức tăng lần lượt 1,47% của Arabica và 1,92% của Robusta. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi tồn kho ở mức thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá.
Theo báo cáo hàng ngày từ Sở hàng hóa liên lục địa (ICE), tổng lượng cà phê Arabica đạt chuẩn đang lưu trữ trong các kho của đơn vị tính đến hết ngày 29/8 ở mức 500.931 bao loại 60kg, giảm 11.502 bao so với phiên trước đó. Như vậy, lượng cà phê tồn kho hiện đã giảm về mức thấp nhất trong hơn 9 tháng.
Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE vẫn chưa có tín hiệu ngừng đà giảm, dù đã chạm mức 33.840 tấn, mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận từ năm 2016.
Về dài hạn, giá cà phê, đặc biệt là cà phê Robusta - chủng loại cà phê chính của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu gia tăng ở các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, mức giá cạnh tranh của cà phê Robusta với cà phê Arabica cũng là lý do sản phẩm này được lựa chọn nhiều hơn.
Những năm vừa qua, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, nếu năm 2000 đạt 734.000 tấn, thì đến năm 2010 đã đạt 1,218 triệu tấn, năm 2015 đạt 1,341 triệu tấn, năm 2020 đạt 1,565 triệu tấn và năm 2022 đạt 1,778 triệu tấn. Đặc biệt, năm 2022 là một năm rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam, với lượng xuất khẩu 1,78 triệu tấn và kim ngạch đạt kỷ lục 4,06 tỷ USD.
Nhằm nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới.
Với Đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn, sẽ có khoảng 19.700 ha cà phê được triển khai tại 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông. Có 64 hợp tác xã với 5.230 hộ sẽ hưởng thụ từ dự án. Giải pháp xây dựng nguồn nguyên liệu cà phê được kỳ vọng sẽ giúp hạt cà phê Việt Nam thoát được cảnh được mùa mất giá, nâng cao giá trị kể cả ở trong nước và xuất khẩu, xây dựng thành công thương hiệu cà phê Việt chất lượng cao.
Hiện Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến sản xuất cà phê. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Những năm qua, ngành hàng cà phê được hưởng lợi rất lớn từ dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT), thực hiện từ năm 2015 – 2021, đã được quốc tế công nhận và vinh danh là dự án tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á.
Kết quả đến nay, dự án VnSAT đã đào tạo quy trình tái canh cà phê bền vững cho hơn 30.000 hộ dân với diện tích gần 30.000ha; có 25.000 hộ tiến hành tái canh với diện tích hơn 22.000ha. Trong số đó, gần 12.000ha có vay vốn tái canh từ chương trình tín dụng của dự án với tổng vốn vay hơn 2.000 tỷ đồng.
Về phía các địa phương trồng cà phê chủ lực, diện tích trồng cà phê bền vững ngày càng tăng. Tại Đắk Lắk đến nay đã có gần 46.000ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận của Việt Nam và quốc tế. Tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất cà phê bền vững cho 17.508 hộ nông dân, đang quản lý diện tích 19.773 ha cà phê. Toàn tỉnh có 54 tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích hơn 6.000ha.
Tại Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 46.000 ha sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn: VietGAP, 4C, Organic, Rain Forest…
TS. Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT