Trước sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu của 2 ngành hàng thủy sản và lâm sản, Bộ Nông nghiệp có điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023?
Chưa phải điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 7/2023 ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%...
Liên quan đến việc 2 ngành chủ lực của Việt Nam là thủy sản và lâm sản ghi nhận tốc độ xuất khẩu giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngày 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản, đặc biệt là khó khăn vướng mắc về vốn và dư nợ tín dụng. Đến nay, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đã được triển khai đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Về tín hiệu thị trường, theo báo cáo của VASEP đã có những dấu hiệu tích cực. Về lâm sản, Chủ tịch VIFOREST cũng nhấn mạnh sẽ hết sức cố gắng để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đề ra là 17 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm có nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng vượt bậc như rau quả, cà phê, gạo, hạt điều... Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc chiếm 21,9%; Mỹ 20,4%; Nhật Bản 7,6%; Philippines và Hàn Quốc là 4,2%;…
“VASEP cho biết đã có những tín hiệu tích cực về thị trường cả với tôm và cá tra. Cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt trên 50% sản lượng (năm 2022 là 1,6 triệu tấn với trị giá 2,46 tỷ USD). Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang ép giá. Dự trữ và tồn kho của Hoa Kỳ đã giảm, trong khi nhu cầu không thay đổi. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị cho những dự trữ để khi tình thế, thời cơ đến thì chúng ta có thể chớp được cơ hội này. Về xuất khẩu tôm cũng tương tự”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn chứng.
Với cơ cấu ngành hàng, cơ cấu thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy xúc tiến thương mại, nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra 54 - 55 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2023. “Khẳng định khó khăn là có, nhưng đến thời điểm này, chúng ta chưa phải bàn đến việc điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Cần thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam và UAE
Một vấn đề nữa liên quan đến các rủi ro trong thương mại quốc tế, mà cụ thể vụ 5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, việc thành lập hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam và UAE là cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bàn với các bộ, ngành liên quan để sớm có thể thành lập hiệp hội liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản với các đơn vị nhập khẩu phân phối của UAE để trao đổi thông tin, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, giải quyết tranh chấp thương mại. Đồng thời để có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa quản lý nhà nước với hiệp hội ngành hàng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc thành lập hiệp hội là cần thiết cho phát triển các ngành hàng, nhất là các thị trường đặc biệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng hiệp hội ngành hàng hỗ trợ thông tin, pháp lý để các hiệp hội phát huy được sức mạnh của mình, để hiệp hội thực sự trở thành cầu nối giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
“Hiệp hội là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước nhưng cũng là đơn vị phản biện về các cơ chế, chính sách đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, hiệp hội cũng cần có trình độ hiểu biết về pháp luật để bảo vệ thành viên”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
TS. Cao Mạnh Cường - Bộ KHĐT