Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 6/2023 Việt Nam xuất khẩu được 21.209 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 18.545 tấn, tiêu trắng đạt 2.664 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 77,1 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 63,8 triệu USD, tiêu trắng đạt 13,3 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 6 đạt 3.440 USD/tấn, trong đó, tiêu trắng đạt 4.975 USD/tấn, giảm 100 USD so với tháng trước, đối với tiêu đen và 48 USD đối với tiêu trắng so với tháng trước.
Hoa Kỳ vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong tháng 6 đạt 4.801 tấn, tuy nhiên so với tháng 5 giảm 11,2%.
Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm mạnh 59% đạt 4.200 tấn. Xuất khẩu sang Đức, Hà Lan, UAE, Pháp, Nga… giảm nhưng tăng ở Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ…
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong tháng 6 bao gồm: Nedspice (xuất khẩu được 1.986 tấn), Olam Việt Nam (xuất khẩu được 1.622 tấn), Phúc Sinh (xuất khẩu được 1.560 tấn)…
Tính chung, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 152.986 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 138.377 tấn, tiêu trắng đạt 14.609 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485,9 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 417,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 68,0 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 21,8% tương đương 27.433 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 14,6% tương đương giảm 82,3 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.484 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.011 USD/tấn, giảm lần lượt 879 USD đối với tiêu đen và 1.070 USD đối với tiêu trắng.
Trân Châu là doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu trong khối VPA chiếm 6,5% thị phần xuất khẩu đạt 9.926 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 38,5%.
Tiếp theo là các doanh nghiệp: Nedspice Việt Nam – 9.542 tấn, chiếm 6,2% và giảm 0,6% so cùng kỳ; Olam Việt Nam – 8.492 tấn, chiếm 5,6% và giảm 40,2%; Phúc Sinh – 8.247 tấn, chiếm 5,4% và tăng 1,6%; Haprosimex JSC – 6.332 tấn, chiếm 4,1% và giảm 17,7%.
Một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng bao gồm: Tuấn Minh: 107,1%; Intimex Group: 36%; Hanfimex Việt Nam: 21,8%; Ptexim Corp: 21,0%; Synthite Việt Nam: 8,7%; Prosi Thăng Long: 6,6%… Xuất khẩu giảm ở Harris Freeman, Liên Thành, DK, Sơn Hà, Pitco…
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Nedspice (xuất khẩu được 1.794 tấn); Olam Việt Nam (xuất khẩu được 1.570 tấn); Trân Châu (xuất khẩu được 1.499 tấn); Liên Thành (xuất khẩu được 1.314 tấn); Phúc Sinh (xuất khẩu được 925 tấn).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 50.369 tấn, chiếm 32,9% thị phần xuất khẩu và so cùng kỳ tăng 798,0%.
Tính chung cả khu vực châu Á xuất khẩu tăng 60,2% và chiếm 58,3% thị phần xuất khẩu. Tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống giảm mạnh như Ấn Độ giảm 41,1%, UAE giảm 29,3%; Pakistan giảm 25,9%; Hàn Quốc giảm 54,2%…
Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 25.894 tấn, chiếm 16,9% thị phần xuất khẩu và so cùng kỳ năm ngoái giảm 14%.
Tại khu vực châu Âu, xuất khẩu giảm 10% đạt 26.963 tấn trong đó đầu hết các thị trường truyền thống đều giảm như: Đức giảm 30,4%; Hà Lan giảm 22,3%; Anh giảm 12,9%, Ierland giảm 66,1%.
Tuy nhiên cũng tại thị trường EU ghi nhận xuất khẩu vào một số quốc gia tăng mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ tăng 102,2%; Pháp tăng 31,2%…
Xuất khẩu sang châu Phi đạt 7.843 tấn, tăng 7,1% trong đó đứng đầu là Ai Cập tăng 51,1% đạt 2.485 tấn; tiếp theo là Senegal tăng 77,4% đạt 1.763 tấn…
Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu: Trung Quốc (2.261 tấn); Hoa Kỳ (2.002 tấn); Đức (1.715 tấn), Hà Lan (1.300 tấn), Thái Lan (1.176 tấn).
Ở chiều ngược lại, thống kê sơ bộ của VPA, trong tháng 6/2023 Việt Nam đã nhập khẩu 2.584 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen đạt 2.505 tấn, tiêu trắng đạt 79 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 7,8 triệu USD, so với tháng trước lượng nhập khẩu tăng 11,6%.
6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 15.083 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 14.115 tấn, tiêu trắng đạt 968 tấn, so với cùng kỳ năm 2022 lượng nhập khẩu giảm 29,2% tương đương 6.216 tấn, trong đó tiêu đen giảm 21,8% và tiêu trắng giảm 70,3%.
Olam, Trân Châu và Nedspice là 3 doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu chiếm: 39,7%; 15,4% và 10,1%, trong đó nhập khẩu của Olam giảm 26%, Trân Châu tăng 43,9% và Nedspice tăng 125,0%.
Trong khi nhập khẩu từ Brazil tăng 76% đạt 9.314 tấn thì ngược lại, nhập khẩu từ Indonesia và Campuchia lại giảm lần lượt 72,4% và 54,7% đạt 2.649 tấn và 1.788 tấn.
TS. Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT