Tin tức

Có thể nói tình hình kinh tế những tháng đầu năm có những gam màu sáng, nhưng cũng không ít những gam màu xám ở nhiều lĩnh vực, kể cả ở thương mại nội địa hay xuất khẩu. Ông nhận xét gì về vấn đề này?

 
 

Trong khảo sát gần đây của VCCI, doanh nghiệp đưa ra nhiều điểm nghẽn, nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Điểm đầu tiên là suy giảm đơn hàng, suy giảm nhu cầu ở những thị trường mà doanh nghiệp có thể bán được hàng hóa. Nếu nhìn vào thương mại quốc tế, nhìn vào lịch sử trong vài chục năm trở lại đây, có thể thấy chưa bao giờ xuất nhập khẩu tăng trưởng âm khá cao, lên đến 14-15% như 5 tháng đầu năm nay.

Nhìn sâu hơn, có thể thấy do sự co hẹp của thị trường, những khó khăn về tài chính của doanh nghiệp và tình trạng lạm phát đã khiến xuất nhập khẩu suy giảm. Song nhập khẩu giảm cũng phản ánh khó khăn của doanh nghiệp. Bởi vì không bán được hàng nên doanh nghiệp mới suy giảm nhu cầu nhập khẩu.

Một yếu tố đáng lưu ý khác là nhập khẩu thiết bị máy móc cũng suy giảm. Điều này liên quan đến đầu tư và sự suy giảm này cho thấy đầu tư có xu hướng sụt giảm. Trong khi đó đầu tư cũng là 1 thành tố quan trọng trong "cỗ xe tam mã" (gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư). Do đó việc suy giảm này cho thấy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, sau 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang tăng trưởng khá cao, đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây. Khi tổng mức bán lẻ ở thị trường trong nước tăng thì cũng gia tăng áp lực lên hàng hóa nhập khẩu.

Ở trong nước, mức tăng hiện nay là cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây cũng là tín hiệu tích cực của thị trường nội địa. Nhưng giả sử mức tăng được giữ đều từ 2018 đến nay thì khác, song chúng ta đã trải qua 2 năm gặp khó khăn rất lớn do dịch bệnh dẫn đến tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm. Cho nên mức tăng của 5 tháng đầu năm cho thấy thị trường trong nước vẫn còn tiềm năng để khai thác thêm.

Năm 2022, Việt Nam gia nhập vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Nhưng từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu lại liên tục gặp khó. Đây được cho là mặt trái của nền kinh tế mở. Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn. Vậy để phát huy lợi thế của mình, theo ông, chúng ta cần phải chú ý điểm gì?

Việc đứng Top 20 với con số xuất nhập khẩu bằng 180% GDP phản ánh nhiều cơ hội mà Việt Nam đã tận dụng được, song cũng nói được cái khó khăn đó là phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nằm trong các chuỗi cung ứng, mà các chuỗi cung ứng này lại do các tập đoàn lớn trên thế giới chi phối. Do đó việc thay đổi không hề đơn giản, kể cả việc doanh nghiệp muốn quay lại thị trường nội địa bởi doanh nghiệp đã quen làm việc với một người dẫn dắt mình.

Thứ hai là thị trường trong nước quan trọng nhưng với quy mô sản xuất nằm trong Top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết được hàng hóa. Cho nên bên cạnh những bài toán dài hạn như xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi phân phối, chuỗi cung ứng… thì trước mắt, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải dựa vào việc bên cạnh mở rộng thị trường thì vẫn phải đi sâu vào các thị trường hiện có mà chưa khai thác hết như Bắc Âu, hoặc 26-27 nước đang có FTA với Việt Nam.

Bên cạnh đó, phối hợp với những doanh nghiệp đang dẫn dắt chuỗi cung ứng, gắn với thông tin để chuyển hướng thị trường nhanh. Để làm được việc này, Bộ Công Thương cần phối hợp với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường nhanh nhất.

Thứ ba là phải đap ứng xu hướng, đòi hỏi mới về hàng tiêu dùng dùng. Ví dụ dệt may Việt Nam thời gian qua gặp khó khăn song chuyển đổi sang sản xuất xanh thì ta hơi chậm. Trong khi đó Bangladesh họ vẫn có đơn hàng vì họ chuyển đổi tốt. Vì vậy nếu đáp ứng được các yêu cầu thị trường thì sẽ tốt hơn.

Trong khi xuất nhập khẩu gặp khó thì nhiều ý kiến cho rằng, mảng thị trường nội địa lại chưa được doanh nghiệp thực sự lưu tâm và giành tâm huyết để chiếm lĩnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nếu chúng ta quan sát quá trình đổi mới, cải cách Việt Nam thì có thể tháy rằng doanh nghiệp đều bắt đầu từ nội địa. Nhưng trong quá trình làm ăn, do sự nhìn nhận thị phần lợi nhuận, khả năng nguồn lực nên thường doanh nghiệp Việt Nam với quy mô không đủ lớn, họ thích và dần quen với việc xuất khẩu hơn. Song 10 năm gần đây, doanh nghiệp đã nói về nội địa nhiều hơn vì Việt Nam có đến 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đông, xu hướng xanh và an toàn cao… Đây là thị trường tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp nước ngoài. Rõ ràng đây là thị trường ta không thể quên chứ không thể bỏ ngỏ.

Tôi chỉ lưu tâm vài điểm. Thứ nhất là thông tin, các doanh nghiệp nước ngoài khi vào đây họ tìm hiểu rất kỹ. Ta là doanh nghiệp nội địa nhưng chưa chắc đã nắm bắt được thông tin về thị trường bằng họ. Chưa kể, chi phí để tìm hiểu tốn kém. Do đó, vai trò của các cơ quan chức năng, hiệp hội là rất lớn .

Thứ hai là kết nối, từ thị trường, xúc tiến thương mại, đối tác và kết nối nhiều bên liên quan.

Thứ ba là chủ động vì không ai làm thay doanh nghiệp được. Tinh thần Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong giai đoạn này không còn phù hợp. Về lâu dài, cần tập trung vào sản xuất các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam. Phải làm sao hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.

Tình hình kinh tế dự báo sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ nay đến cuối năm, cả ở ngoại thương và nội địa. Ông có gợi mở gì cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng?

Trước mắt, không chỉ năm nay mà năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh câu chuyện liên quan đến kết nối và thông tin để linh hoạt hóa thị trường, các cách tiếp cận thị trường, bạn hàng, thay đổi cách quản trị, các chính sách kích cầu… tôi cũng muốn nhấn mạnh đến quản trị rủi ro. Chúng ta đang sống ở thời đại mà có rất nhiều vấn đề, nhiều cú sốc biến động theo chiều hướng nghịch. Nên cần đặc biệt quan tâm đến quản trị rủi ro.

Về các cơ quan quản lý nhà nước, cần có những kịch bản để có cách thức quản trị phối hợp. Về doanh nghiệp, cần quan tâm đến quản trị chuỗi cung ứng, logistics, tối ưu hóa.

Một điểm khác là trong ứng xử với muôn vàn khó khăn, ta cần chuẩn bị bắt kịp với những xu thế mới như tiêu dùng xanh, nhân văn, an toàn. Đây không chỉ là xu thế mà còn là vấn đề văn hóa. Nếu không tiếp cận được ta sẽ bị bỏ lại phía sau.

Ngoài ra, cần tiếp cận với xu thế chuyển đổi số. Bắt kịp với xu thế của nhà đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng để từ đó nâng cao được năng lực doanh nghiệp nội địa, kết nối để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng tốt hơn.

TS.Võ Trí Thành: Không thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu 2 con số mà phải nhìn vào giá trị gia tăng!
Cần quan tâm hơn đến giá trị gia tăng thay vì con số tăng trưởng

Nhìn lâu dài, không thể mong muốn cứ duy trì tăng trưởng xuất khẩu lên đến 2 con số mà phải nhìn vào giá trị gia tăng. Cho nên việc chuyển dịch là rất quan trọng trong chính sách.

TS. Cao Mạnh Cường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư