Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 5 tháng năm 2023, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Đơn cử như, xuất khẩu cá tra chỉ thu về 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2022...
Trước khó khăn bủa vây, ngày 14/6/2023 đã có công văn số 59/CV-VASEP tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay.
Theo VASEP, hiện lãi suất ngân hàng và các khoản phí của ngân hàng quá cao. Trong khi đó doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu và thường vay USD. Tuy nhiên từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3% và thậm chí đến 4,5%, và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1-4,9%, có những doanh nghiệp cao hơn 5% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất-xuất khẩu thủy sản.
Một vấn đề đáng quan ngại nữa, theo VASEP là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó.
Bên cạnh lãi suất đã cao như đề cập trên, tuy nhiên nếu tính cả các khoản phí như: phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…
Ngoài ra, VASEP cũng cho rằng việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này.
“Vốn-tín dụng-lãi suất vay đang là áp lực lớn và căng thẳng nhất hiện này với ngành hàng. Hiệp hội mong Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét”- đại diện VASEP cho biết.
Từ khó khăn trên, VASEP kiến nghị ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2-3/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.
Ngoài ra, VASEP cũng đề xuất hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo cơ sở thúc đẩy sinh kế cho chuỗi nông-ngư dân phía trước.
Đặc biệt, VASEP cho rằng cần thiết có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thu mua nguyên liệu thủy sản nuôi cho nông dân.
Liên quan đến các giải pháp giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm đóng bảo hiểm xã hội, VASEP đề xuất Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023; Kiến nghị giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023; Nghiên cứu sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% và tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023; Giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội…
Đối với các vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy, hiện nay, Nhà nước đang áp dụng các tiêu chuẩn mới về thẩm duyệt và nghiệm thu công trình phòng cháy chữa cháy trong doanh nghiệp. Các quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy này chưa phân loại theo mức độ rủi ro, chưa phân biệt về mặt quy mô và chức năng vận hành của từng công trình, điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp; một số quy định đưa ra các yêu cầu ngặt nghèo, không có tính khả thi trong thực tế. Do đó Hiệp hội kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất giải pháp theo hướng: Rà soát, sửa đổi các quy định về phòng cháy chữa cháy để phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Đối với các nhà máy đã quy hoạch xây dựng từ trước, thiếu hoặc chưa bảo đảm quy định các công trình về phòng cháy chữa cháy, như bể phòng cháy chữa cháy, quy định lắp báo cháy tự động trong các kho đông lạnh…, theo VASEP cần cân nhắc sự phù hợp, có lộ trình áp dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và khắc phục.
Đối với vướng mắc trong thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng dự án cũ của doanh nghiệp, Hiệp hội kiến nghị đơn giản hóa thủ tục (Điều 41: Điều chỉnh dự án đầu tư, Luật Đầu tư (sửa đổi) ban hành 17/6/2020) đối với dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đây, đang hoạt động nay đầu tư nâng công suất/đổi mới công nghệ (không phát sinh nhu cầu giao đất/thuê đất).
TS. Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT