Theo thông cáo báo chí của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa công bố cho hay, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94, giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương.
Về các mặt hàng cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, trong khi mặt hàng gỗ dán được sản xuất từ gỗ cứng chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh do chịu tác động của cuộc điều tra do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiến hành từ giữa năm 2021 về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp, thì sản phẩm gỗ dán sử dụng trong xây dựng (gỗ dán phủ film) xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU lại tăng.
4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ván sợi sang thị trường Ấn Độ đạt 21,19 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (7,6 triệu USD). Ván sợi hiện chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ.
Với mặt hàng ván bóc, xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 69,4 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường chính nhập khẩu mặt hàng này như Trung Quốc (57,2 triệu USD), Campuchia (3,4 triệu USD) đều tăng lần lượt 1% và 20% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu ván bóc sang thị trường Ấn Độ cũng tăng mạnh từ 284,5 ngàn USD trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 3,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2023.
Cũng theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mặc dù giá xuất khẩu dăm gỗ giảm rất mạnh so với cuối năm 2022, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong 4 tháng năm 2023 đạt trên 4,1 triệu tấn, với trị giá 704,4 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.
Xuất khẩu viên nén 4 tháng đầu năm đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch 213,04 triệu USD, giảm 22% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt giá xuất khẩu viên nén đã giảm rất mạnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam, dự kiến trong tháng 6 và tháng 7 này nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lượng tiêu thụ là 100.000 tấn/tháng. Trong khi đó tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2 - 3 năm cung cấp viên nén cho thị trường này.
Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 98% tổng lượng đã và đang có tín hiệu tốt.
Thị trường EU dường như đã dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, dự báo xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá cả và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023.
Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, chủ yếu do các tác động từ bên ngoài, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kỳ vọng, với vị thế hiện có trong thương mại gỗ toàn cầu, cùng với năng lực cạnh tranh đã được thử thách và đội ngũ doanh nhân đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thương trường, doanh nghiệp gỗ Việt sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng khi thị trường gỗ toàn cầu phục hồi.
Để trợ lực cho doanh nghiệp ngành gỗ lúc này, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - đề nghị, các Bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế.
Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong việc mở công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng. Đây là nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường.
“Đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ trong việc tìm hiểu thông tin thị trường về sản phẩm, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và các cơ chế, chính sách của chính phủ về chất lượng, mẫu mã, tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ nhập khẩu”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT