Xuất siêu ở mức cao
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 6,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,11 tỷ USD, giảm 3,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Chín tăng 4,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,5%.
Trong quý III năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II năm 2023.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2023 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 29,12 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỷ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỷ USD, giảm 14,9%.
Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39,3%).
Về cán cân thương mại, tháng 9 ước tính xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD).
Về các mặt hàng, sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8/2023 sang nhiều thị trường, trong đó có thị trường Mỹ đã tăng trưởng dương, tạo tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp thủy sản tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường đều đạt mức đỉnh kể từ đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mỹ. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp, thị trường Mỹ đã lấy lại vị thế số 1 với 165 triệu USD kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 8, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, dù xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 24%, nhưng xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Mỹ đều hồi phục trong tháng 8/2023, như: tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài thị trường Mỹ, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản và Trung Quốc trong tháng 8 tuy cao hơn so với 2 tháng trước đó, nhưng chưa phản ánh rõ xu hướng hồi phục. Tuy nhiên, vụ việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ít nhiều đang làm xáo trộn thương mại thủy sản của nước này với các thị trường như Trung Quốc và các thị trường khác. Diễn biến này có thể giúp thủy sản Việt Nam có thêm thị phần tại một số thị trường trong thời gian tới. Do vậy, dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ tăng trở lại mạnh mẽ hơn vào 4 tháng cuối năm, vừa để đáp ứng nhu cầu dịp lễ, tết Nguyên đán, vừa bù đắp phần nào sụt giảm từ thị trường Nhật.
Một mặt hàng khác đang giữ khá vững phong độ xuất khẩu về giá trị chính là cà phê. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,22 triệu tấn, giảm 6,4% về khối lượng nhưng kim ngạch đạt 3,04 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy lượng xuất khẩu giảm mạnh, nhưng giá cà phê xuất khẩu trung bình trong nửa đầu tháng 9/2023 tiếp tục tăng, đạt 3.151 USD/tấn, tăng 6,3% so với nửa đầu tháng 8/2023, và tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Đến giữa tháng 9, Việt Nam đã có tháng thứ 6 liên tiếp giá cà phê xuất khẩu tăng, ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước đó và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta trong 8 tháng đầu năm đạt 2.463 USD/tấn thì cũng tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải pháp nào cho quý cuối năm?
Trong bối cảnh sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.