Trao đổi thương mại giữa Việt Nam-UAE đang có dư địa lớn để phát triển. UAE là
đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông với kim ngạch thương mại phi dầu mỏ đạt 8,7 tỷ USD vào năm 2022. UAE hiện là thị trường trung chuyển quan trọng, hàng hóa của các nước xuất khẩu vào UAE có thể tái xuất sang nhiều nước tại khu vực Trung Đông, cũng như các châu lục khác như châu Âu, châu Phi... Điều này cũng tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may, da giày... có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường khác, thông qua UAE.
Bên cạnh đó, UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Kim ngạch song phương năm 2022 đạt 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE đạt 3,8 tỷ USD và nhập khẩu từ UAE đạt 582,6 triệu USD, tăng 1,6% so với năm 2021. Hiện Việt Nam chiếm khoảng 2,2% thị phần nhập khẩu tại UAE và UAE chiếm khoảng 0,2% thị phần nhập khẩu của Việt Nam.
Vừa qua, hai nước đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khiến UAE trở thành quốc gia Arab đầu tiên tiến hành đàm phán và hy vọng hiệp định này sẽ sớm được ký kết. Một thành tựu khác là hai nước đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp vào tháng trước với sự tham gia của khoảng 80 doanh nghiệp từ cả hai nước.
Đại sứ UAE tại Việt Nam Bader Almatrooshi cho biết, trao đổi thương mại giữa hai nước đang có dư địa lớn để phát triển, nhất là với mức độ hiện có. Sự nỗ lực không ngừng của chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân hai nước sẽ góp phần làm tăng kim ngạch trao đổi thương mại.
Đặc biệt, mối quan hệ này còn được củng cố thêm trong năm 2023 bằng chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các cuộc gặp với Ngài Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống UAE cùng với các quan chức khác từ các khu vực công và tư nhân.
Cùng với đó, ba Bộ trưởng của hai nước đã có các thăm chính thức gồm có chuyến thăm của Ngài Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Ngài Tiến sĩ Thani AlZeyoudi, Quốc vụ khanh Ngoại thương của UAE tới Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên sang UAE.
Đại sứ UAE tại Việt Nam cho rằng, UAE tin tưởng vào tiềm năng phát triển quan hệ giữa hai nước và một trong những bước đi đang được thực hiện là việc khai trương Văn phòng đại diện của Dubai Chamber (Phòng Thương mại quốc tế Dubai) tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20/7. Một bước phát triển quan trọng khác là sự hợp tác ngày càng tăng giữa Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (World Logistics Passport) có trụ sở tại Dubai và các doanh nghiệp Việt Nam nhằm mở rộng và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cung ứng trên toàn thế giới.
Thông tin về những lĩnh vực hợp tác có triển vọng giữa hai nước và các kế hoạch phát triển những lĩnh vực đó trong thời gian tới, Đại sứ Bader Almatrooshi cho biết, trao đổi thương mại giữa hai nước đang có dư địa lớn để phát triển. Thêm vào đó, sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân hai nước sẽ góp phần làm tăng kim ngạch trao đổi thương mại.
Ngài Đại sứ nhấn mạnh, năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng là một trong những lĩnh vực được cả hai nước coi trọng. UAE rất quan tâm đến an ninh lương thực. Do đó, một số công ty hàng đầu của UAE trong lĩnh vực này đang khám phá các cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Mặt khác, UAE đang chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Theo Đại sứ UAE tại Việt Nam Bader Almatrooshi, việc Việt Nam tham gia sẽ đánh dấu một bước phát triển quan trọng khác trong mối quan hệ giữa hai nước.
30 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - UAE đã có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2023, hai nước Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1993 - 1/8/2023) và chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA).