Tin tức

Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và thị trường khu vực châu Mỹ đạt mức lịch sử hơn 102 tỷ USD trong năm 2023. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 khu vực châu Mỹ của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ ngày 17/1/2023.

 

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phát triển khu vực thị trường châu Mỹ năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận những kết quả đã đạt được và những đóng góp của Vụ vào thành tích chung của ngành Công Thương trong năm vừa qua.

Thứ trưởng đánh giá cao việc trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều nước, rủi ro về suy thoái kinh tế tại các nước khu vực châu Mỹ và tiêu dùng có xu hướng giảm, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã tích cực, chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, theo dõi, nắm bắt tình hình, chính sách thị trường để kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển thị trường; tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dưới nhiều hình thức đa dạng, góp phần tích cực vào tăng trưởng quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ.

Trao đổi thương mại khởi sắc bất chấp những biến động phức tạp của thị trường

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực khi đạt 153,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 128,2 tỷ USD, tăng 12,4%; nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%.

Trong đó, trao đổi thương mại với tất cả các thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức ổn định như Hoa Kỳ (11%), Brazil (6,6%), Canada (16,5%), Mexico (7,1%), Chile (9%), Argentina (8,3%)…

Đối với thị trường Hoa Kỳ, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt xấp xỉ 123,86 tỷ USD (tăng 11% so với 2021), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 109,4 tỷ USD (tăng 13,6% so với 2021);

Đối với khu vực thị trường các nước CPTPP, nhờ hiệu ứng tích cực của các hiệp định thương mại tự do CPTPP và VCFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nhóm 04 nước Canada, Mexico, Chi-lê, Pê-ru  trong năm 2022 đạt 15,2 tỷ USD, tăng 10,9 % so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt 13,1 tỷ USD, tăng 8,7%; nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 26,9%.

Một khu vực thị trường quan trọng khác là khối MERCOSUR (gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,4%, nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.

Đối với các thị trường khác trong khu vực, kim ngạch thương mại song phương cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt: khu vực Trung Mỹ tăng 29,2% (đạt 1,12 tỷ USD), các nước Cộng đồng Andean tăng 12,9% (đạt 1,1 tỷ USD).

Chủ động theo dõi, nghiên cứu tình hình, chính sách thị trường, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển thị trường

Năm 2022, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã tích cực phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức triển khai hiệu quả công tác nghiên cứu, tổng hợp tình hình chính trị, kinh tế - thương mại, đầu tư của khu vực châu Mỹ; báo cáo Lãnh đạo Bộ, đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực. Vụ đã chủ trì, phối hợp với các Đơn vị trong Bộ chuẩn bị nội dung hơn 20 cuộc làm việc với các đối tác là lãnh đạo các Bộ ngành, đối tác trong khu vực châu Mỹ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải biểu dương Vụ Âu Mỹ, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, xung đột địa chính trị diễn ra phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng... đã bám sát tình hình diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ để đề xuất với Chính phủ xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế thương mại với các nước trong khu vực.

Tiếp tục khai thác tối đa các cơ chế, khung khổ hợp tác, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do

Trong năm 2022, nhiều hoạt động đã được triển khai như việc thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế Việt Nam – Canada (tháng 1/2022) và tổ chức thành công Kỳ họp lần I (tháng 7/2022); tổ chức thành công Phiên họp giữa kỳ Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Mexico và Kỳ họp lần II Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Peru (tháng 7/2022); tiếp tục thực thi và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP, FTA Việt Nam – Chile, Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do..

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Vụ đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác và nguồn hàng; đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương qua hình thức trực tuyến.

Đối với các hoạt động phổ biến thông tin, cơ hội thị trường cho doanh nghiệp, Vụ đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước như chương trình Gặp gỡ các đối tác khu vực châu Âu – châu Mỹ (tháng 4), các Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Mỹ Latinh (tháng 11), Diễn đàn logistics (tháng 12); đồng thời tổ chức biên soạn, phát hành nhiều ấn phẩm cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp như: Nghiên cứu đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Argentina; Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng dệt may và da giày sang thị trường Brazil; Thông tin phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước Liên minh Thái Bình Dương; Cơ hội và tiềm năng thị trường Canada và Mexico trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP. Các sản phẩm của Vụ đều được cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương đón nhận tích cực.

Ngoài ra, ngay sau khi các nước trong khu vực mở cửa sau đại dịch Covid-19, Vụ đã tổ chức thành công  chức đoàn xúc tiến thương mại tại ba nước Bắc Mỹ là Mexico, Canada và Hoa Kỳ vào tháng 7/2022 với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp trong nước.

Vụ cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các đơn vị trong Bộ để xử lý các vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (tại Hoa Kỳ, Brazil, Mexico, Canada...).

Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài

Năm 2022, Vụ đã chỉ đạo các Thương vụ tại khu vực thị trường châu Mỹ nâng cao hiệu quả hoạt động, nắm bắt thông tin thị trường, các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, bám sát cơ chế chính sách của nước bạn để kịp thời cảnh báo, tham vấn cho các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có phản ứng kịp thời; đề xuất các giải pháp phát triển thị trường giữa Việt Nam với các nước tại khu vực; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; nghiên cứu, phát hiện, kịp thời kiến nghị các biện pháp đấu tranh tháo gỡ các rào cản thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Vụ đã tổ chức thành công Hội nghị tham tán thương mại và Trưởng Cơ quan thương vụ khu vực châu Mỹ tại Canada (tháng 7/2022).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về Kế hoạch công tác năm 2023 của Vụ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị, thương mại vẫn tiếp tục căng thẳng, lạm phát toàn cầu; rủi ro khả năng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; cạnh tranh gay gắt trên thị trường, chương trình công tác của Vụ Âu Mỹ cần phải tiếp tục ưu tiên các nhiệm vụ sau:

Một là, theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp duy trì và phát triển thị trường; chú trọng nghiên cứu, phân tích, báo cáo cập nhật tình hình thay đổi chính sách của các nước trong khu vực có khả năng tác động đến kinh tế, thương mại của Việt Nam, từ đó dự báo các kịch bản khác nhau, đề xuất chính sách hợp tác kinh tế - thương mại phù hợp. Phát huy tốt hơn vai trò tư vấn trong việc định hướng tổ chức sản xuất trong nước phù hợp với nhu cầu và sự thay đổi của thị trường.

Hai là, trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do FTA và các khung khổ hợp tác kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực; Nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới.

Ba là, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường thông qua đa dạng hóa hoạt động phục vụ doanh nghiệp; chỉ đạo và phối hợp tốt với hệ thống Thương vụ khu vực Âu - Mỹ tiếp tục triển khai hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp tại thị trường sở tại và kiêm nhiệm. Ngoài ra, Vụ cũng cần tiếp tục tập trung kết nối, duy trì nguồn cung về nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước và kết nối đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi; nghiên cứu thêm các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực đầu tư, phát triển ra thị trường nước ngoài để từ đó có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước trong khu vực Âu - Mỹ, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh khẳng định, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ cũng như những nỗ lực của tập thể đội ngũ cán bộ công chức của Vụ, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ sẽ đoàn kết, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong năm qua, đồng thời nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được thành tích mới, đóng góp vào sự phát triển của ngành Công Thương trong năm 2023./.

Thanh Tùng, Bộ Công Thương