Tin tức

Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài gồm: 61 Thương vụ và CN Thương vụ đã thực hiện tốt chức năng là đại diện, bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực KT-XH.

Từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, hoạt động cung cấp thông tin thị trường và tư vấn thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương đặc biệt được quan tâm. Theo đó, Bộ đã phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan thực hiện hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng kịp thời đổi mới, qua đó hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Bộ cũng đã tổ chức hàng trăm phiên tư vấn, kết nối thông tin thị trường cho các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mà ở đó, các Thương vụ đóng vai trò vừa là cầu nối vừa là nhà tư vấn thị trường xuất khẩu.

Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hiện gồm 61 Thương vụ và chi nhánh Thương vụ đã thực hiện tốt chức năng là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp. Bên cạnh đó, chủ động phát hiện, đồng hành tháo gỡ rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, giải quyết tranh chấp thương mại, bảo vệ tốt quyền lợi kinh tế của quốc gia và là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức định kỳ bắt đầu từ tháng 7/2022 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, chuyên gia kinh tế và đại diện các Thương vụ.

Chia sẻ về điều này, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Trong công tác xúc tiến thương mại, vai trò của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng. Thứ nhất, khai mở thị trường thông qua tìm hiểu, phân tích, cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp trong nước.

Thứ hai, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam khi ra nhập thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh diễn biến thị trường thế giới đang rất phức tạp.

Ở vị trí người trong cuộc, TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada - cũng cho rằng: Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại đã tạo lập nền tảng đối thoại và cập nhật thông tin thường kỳ để hệ thống các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài của Bộ Công Thương sớm nắm vững các chủ trương, định hướng và vấn đề nóng của ngành để kịp thời tham mưu, dự báo, cung cấp thông tin, kinh nghiệm, cách xử lý của các nước đối tác. Ở chiều ngược lại, Thương vụ cũng có cơ hội trao đổi, hỏi đáp và cập nhật chiến lược phát triển và nhu cầu của các ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cả nước.

Tại Hội nghị trực tuyến với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của ngoại thương mà trực tiếp là của ngành Công Thương với hệ thống Thương vụ ở nước ngoài trong thành tích phát triển kinh tế của đất nước. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Thương vụ đã thực hiện tốt vai trò tiền tuyến trong tìm kiếm thị trường, thúc đẩy xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư.

Để nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại; từ đó tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Cán bộ Thương vụ tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực côngnghiệp trong nước, nhất là ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như: Cơ khí chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, dược phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng lao động kỹ thuật, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Với vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giao nhiệm vụ: Hệ thống Thương vụ cần chú trọng tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tích cực tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới…

Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT