Tin tức

Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ

lực tái cấu trúc sản phẩm, thị trường để vượt khó.

 

Sụt giảm doanh thu

Trong bối cảnh các thị trường lớn xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đang tồn kho nhiều, sức mua giảm mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tăng trưởng âm. Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kĩ nghệ Gỗ Trường Thành vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu 331 tỉ đồng, giảm 38% so với cùng kì. Đáng chú ý, hết quý I/2023, công ty chỉ lãi 1,8 tỉ đồng, giảm 90% so với cùng kì năm trước.

Năm 2023, gỗ Trường Thành đặt mục tiêu doanh thu 2.222 tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kì, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỉ đồng, tăng 15 lần so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, doanh nghiệp này mới hoàn thành 4,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Ban lãnh đạo gỗ Trường Thành cho biết, 2023 sẽ là 1 năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và doanh nghiệp nói riêng khi tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài, các doanh nghiệp phải cạnh tranh thị phần bằng mọi giá cũng làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra ngày càng thấp.

Tình hình sản xuất kinh doanh bị sụt giảm mạnh không chỉ riêng tại gỗ Trường Thành mà đã và đang xảy ra với hầu hất các doanh nghiệp trong các lĩnh vực gỗ, thủy sản, dệt may khác trong cả nước.

Sản phẩm dệt may- mặt hàng đạt sức tăng trưởng xuất khẩu cao
Nhiều doanh nghiệp tìm cách tái cấu trúc thị trường, định vị lại sản phẩm để vượt khó

Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu - doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng trong hoàn cảnh tương tự. Năm 2022, công ty này xuất khẩu được 9.000 tấn thành phẩm thủy sản các loại, đạt giá trị khoảng 62 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2023, công ty chỉ đặt kế hoạch khiêm tốn, tăng trưởng 5% so với năm 2022. Lý do khiến Baseafood “hạ mục tiêu” xuất khẩu là vì khan hiếm nguyên liệu chế biến. Theo ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Baseafood, năm ngoái, công ty nhập khẩu khoảng 9 triệu USD nguyên liệu từ các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, nhưng năm nay, nguyên liệu ở những thị trường này gặp khó trước những biến động của thị trường thế giới.

Với ngành Dệt may, ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jeans (VitaJean), cho biết do thị trường xuất khẩu lớn của VitaJean là ở các nước châu Âu (EU), trong khi khu vực này lạm phát tăng cao, thị trường sụt giảm mạnh,… khiến đơn hàng xuất khẩu của công ty ông những tháng qua bị ảnh hưởng nặng hơn các doanh nghiệp dệt may khác. Cụ thể đơn hàng xuất khẩu của VitaJean trong 3 tháng đầu năm đi EU giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) Phạm Xuân Hồng cũng cho rằng tình hình hoạt động của doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn, tín hiệu thị trường hiện chưa cho thấy có chiều hướng thay đổi so với những tháng ế ẩm vừa qua.

Theo ông Hồng, qua 2 quý liên tiếp kinh doanh khó khăn, trong quí 2 này phần lớn các doanh nghiệp dệt may là thành viên của hội tiếp tục sụt giảm đơn hàng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại hơn nữa là những dự báo và kỳ vọng của doanh nghiệp về các thị trường xuất khẩu lớn sẽ phục hồi và đơn hàng sản xuất quay trở lại từ giữa năm nay cũng khó có thể trở thành hiện thực. Nguyên nhân là do các thị trường xuất khẩu lớn chưa thấy có tín hiệu phục hồi so với kết quả kinh doanh tồi tệ trong hơn nửa năm qua.

“Thông thường ở thời điểm này của quý 2 doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng sản xuất cho cả quý 3 nhưng tình hình thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất với đơn hàng ngắn hạn, và chưa có đơn hàng sản xuất cho những tháng của quý 3”, ông Chủ tịch AGTEK chia sẻ.

Linh hoạt giải pháp thích ứng

Việc sụt giảm đơn hàng khiến những doanh nghiệp xuất khẩu phải rốt ráo tái cấu trúc. Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Baseafood cho biết, để giải “bài toán” thiếu nguyên liệu, ông Dũng cho biết, đã lên kế hoạch mở rộng thị trường nhập khẩu, từ các nước Ấn Độ, Chile, Tây Ban Nha, Na Uy, thậm chí đi xa hơn qua Australia, NewZealand… Bởi nếu không kịp xoay xở, thích ứng với những biến động thế giới thì doanh nghiệp sẽ muôn vàn khó khăn, công việc của hàng trăm lao động bị ảnh hưởng.

“Ngoài việc mở rộng thị trường nhập khẩu, bù đắp sự thiếu hụt nguyên liệu, chúng tôi cũng đang tính phương án gia công trở lại. Nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu rồi gia công tái xuất đi các nước có nhu cầu. Song song đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các sản phẩm tinh chế, chế biến sâu, mở rộng nguồn sản phẩm cao cấp phục vụ người già, người bệnh, trẻ nhỏ để tăng lợi nhuận xuất khẩu. Muốn làm được vậy, chúng tôi phải phát triển công nghệ, chuyển giao, đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài về và nâng cao tay nghề của người lao động để có thể chế biến được những sản phẩm cao cấp”, ông Dũng nói.

Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jeans cho biết, để vượt qua khó khăn, công ty sẽ định vị lại về sản phẩm, thị trường và về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất... Hiện nay công ty đang mở rộng thêm thị trường và kết nối lại những mặt hàng ở thị trường truyền thống. Đồng thời khai thác thêm các thị trường ngách, sản phẩm ngách. “Những sản phẩm trước đây doanh nghiệp cho là cơ bản không làm, thì bây giờ sẽ quay lại làm. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp tục khai thác thị trường Úc, Canada với những sản phẩm cần số lượng, không yêu cầu nhiều về xu hướng, giá thành hợp lý”, ông Phạm Văn Việt thông tin.

Nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương cho biết sẽ đổi mới hình thức hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác các thị trường mới, tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh, Đông Âu và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).

Mạnh Cường, Chuyên gia kinh tế