Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản gặp khó trăm bề, nhiều doanh nghiệp đang tìm
cách tái cấu trúc sản xuất; chấp nhận giảm lợi nhuận, giảm lao động và thu nhập.
Giá cá giảm, tiêu thụ khó
4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản liên tiếp giảm mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản mới đạt trên 2,6 tỉ USD, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó tại các thị trường lớn, truyền thống, như Mỹ, EU… số lượng đơn hàng giảm mạnh.
Thiếu đơn hàng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải cắt giảm công suất hoạt động 30-40%. Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood), cho biết trong 4 tháng đầu năm 2023 số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm hơn 30%. Doanh nghiệp đã phải co kéo bằng cách cho người lao động nghỉ luân phiên và giảm hơn 40% giờ làm, kéo theo giảm 40% thu nhập. Doanh nghiệp cũng phải giảm hơn 1.000 lao động trong số hơn 4.000 lao động.
“Không chỉ thị trường tiêu thụ thủy sản sụt giảm, mà thời gian gần đây, các mặt hàng tôm, cá tra, cá basa còn phải cạnh tranh gay gắt với một số nước có nguồn nguyên liệu giá rẻ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuado”, ông Phục nêu thực tế.
Xuất khẩu giảm đã tác động đến giá nguyên liệu trong nước giảm theo. Những ngày gần đây, nhiều hộ nuôi cá tra nguyên liệu tại các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ… vô cùng lo lắng khi giá cá giảm, khó bán trong khi sản lượng tới kỳ thu hoạch cứ ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Bình Hưng, TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết, hiện gia đình có ao cá tra với sản lượng 600 tấn cá, trọng lượng 1 kg/con nhưng chưa bán được. Do đó, ông phải cho cá ăn cầm chừng, cách một hoặc hai ngày mới cho cá ăn để... chờ giá "nhích lên", bởi có bán được cũng chỉ với giá 27.000-28.500 đồng/kg.
Những doanh nghiệp lớn không mua cá nguyên liệu hoặc mua với giá thấp. Trong khi những doanh nghiệp nhỏ lại đòi mua chịu. Hiện người nuôi đang lâm vào cảnh thua lỗ khoảng 2.500 – 3.000 đồng/kg.
Ông Võ Văn Nhựt, Phó giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Châu Thành (Đồng Tháp) cho hay, hợp tác xã có 16 xã viên với hơn 5.000 tấn cá chưa tiêu thụ được. Mặc dù hợp tác xã liên tục làm việc với các doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ thu mua, song hiện nay doanh nghiệp cũng không thể mua thêm do đơn hàng xuất khẩu không có, lượng tồn kho nhiều.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động
Theo ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản gặp khó trăm bề, để vượt qua giai đoạn trước mắt và duy trì xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại một cách hợp lý; chấp nhận giảm tăng trưởng, giảm lao động và thu nhập.
Cùng với đó, để cải thiện sức cạnh tranh cho tôm Việt, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú kiến nghị, Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế hợp tác công tư giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, như Viện Nghiên cứu - Nuôi trồng thủy sản II, trong các vấn đề: Tạo ra giống tôm có khả năng chống chịu, thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường từng vùng miền; xây dựng, hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm sú thâm canh, tôm thẻ chân trắng thâm canh, tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao với giá thành thấp, phù hợp với từng vùng miền…
"Với các giải pháp này, nếu chúng ta thực hiện ngay trong năm nay và làm quyết liệt thì giá thành tôm Việt Nam sẽ bằng Ấn Độ trước năm 2030, bằng Ecuador trước năm 2035. Qua đó, giúp người nuôi tôm làm giàu trên chính mảnh đất của mình, giúp các doanh nghiệp chế biến có lợi nhuận tốt hơn để xây dựng ngành tôm vững mạnh, bền vững" - ông Quang đặt vấn đề.
Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ngành chức năng tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp, như sớm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT); đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là ở các thị trường lớn, thị trường mới nổi; tăng cường kiểm tra việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành tín dụng để cung cấp vốn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản tiếp cận vốn tín dụng.
Với những tháo gỡ cấp bách trên, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ khôi phục lại thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian sớm nhất. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm xem xét giảm thuế khi nhập khẩu các nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản, như đậu nành từ 2% về 0%, góp phần giảm chi phí đầu vào cho người nuôi cá.
“Việc giảm thuế sẽ tác động rất lớn đến giảm giá thành chăn nuôi, bởi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất. Một khi giảm được chi phí giá thành, mới giúp chúng ta tăng sức cạnh tranh với các nước khác trên thế giới…", ông Dương Nghĩa Quốc nhận định.