Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, góp phần cho thành công hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022.
Xuất khẩu lập kỷ lục
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (tăng trên 8%). Tăng trưởng xuất khẩu khá tích cực ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI (doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 95,4 tỷ USD, tăng 6,8%; doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 275,9 tỷ USD, tăng 11,8%).
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu, đạt 319,2 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 10,1% so với năm trước.
Xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản và nhóm nhiên liệu, khoáng sản cũng đều tăng so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản đạt 30,8 tỷ USD, tăng 9,9% và xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt gần 5 tỷ USD, tăng 36,5% so với năm 2021.
Cả nước đã có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có kí kết FTA với Việt Nam. Xuất khẩu sang một số thị trường là đối tác FTA tăng cao như: sang ASEAN đạt 34 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2021; Canada đạt 6,3 tỷ USD, tăng 19,8%; Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, tăng 10,7%; Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,4%; Ấn Độ đạt 8 tỷ USD, tăng 26,8%, Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%; EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7%.
Cùng với thành tích xuất khẩu tăng trưởng, kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, linh kiện thiết bị cần nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng là chủ yếu trong trị giá hàng nhập khẩu, đạt 316,7 tỷ USD, chiếm 88,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu như vậy, cán cân thương mại cả năm đã tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu trong các năm trước, đạt mức thặng dư hàng hoá 12,4 tỷ USD.
Nhanh chóng, kịp thời, sâu sát trong tháo gỡ khó khăn tại khu vực cửa khẩu
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới, trong bối cảnh phía Trung Quốc siết chặt nhập khẩu do chính sách Zero Covid là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Bộ Công Thương trong năm qua.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc dẫn đầu đã có các chương trình làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã đi khảo sát tại các cửa khẩu, đồng thời có những chỉ đạo sát sao trong việc kéo dài thời gian thông quan; tăng cường đàm phán với phía bạn để tháo gỡ khó khăn...
Sau đó, Bộ Công Thương liên tục phát đi những cảnh báo, hướng dẫn doanh nghiệp về các giải pháp để phòng chống virus Corona trên bao bì, hàng hóa; đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người và phương tiện vận chuyển hàng hóa sang thị trường phía bạn; đa dạng hóa hình thức vận chuyển hàng hóa... Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét lại hình thức trao đổi cư dân biên giới ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Kiên quyết đưa hình thức trao đổi cư dân về đúng với bản chất của trao đổi cư dân; nghiên cứu giảm định mức và tần suất miễn thuế cho trao đổi cư dân để từng bước hướng các thương nhân chuyển sang hoạt động chính ngạch, mua bán theo hợp đồng.
Đối với các tỉnh biên giới, Bộ Công Thương khuyến nghị cần chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng logistics, đặc biệt là mở rộng, tăng diện tích các kho bãi, địa điểm tập kết cho hàng hóa và phương tiện vận tải hàng hóa làm thủ tục thông quan thuận lợi; hạn chế bố trí các khu tập kết hàng hóa, phương tiện quá gần cửa khẩu khiến khó mở rộng và khó điều tiết, phân luồng khi lượng hàng và phương tiện tăng cao.
Ngày 14/12/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch thường trực Quảng Tây Thái Lệ Tân đã đồng chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2023 giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc.
Hội nghị là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp, phương hướng hợp tác trong tương lai nhằm triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua; đồng thời trao đổi giải pháp nhằm đảm bảo thông quan thông suốt, chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam với Quảng Tây dịp trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023.
Trong bối cảnh thời điểm chuẩn bị bước vào dịp cao điểm thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu phục vụ nhu cầu các dịp lễ Tết truyền thống quan trọng của hai nước năm 2023 đang đến gần, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Quảng Tây và các địa phương biên giới Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo thông suốt và nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, tránh tái hiện tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu/lối mở biên giới giữa Việt Nam và Quảng Tây như cuối năm 2021.
Nhân dịp này, Bộ Công Thương đưa ra một số giải pháp cụ thể trước mắt cần hai bên phối hợp thực hiện như: (i) khẩn trương hoàn tất thủ tục mở chính thức Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan trước ngày 01/01/2023; (ii) thống nhất thời gian hoạt động của cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm, đồng thời bổ sung vào Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; (iii) khôi phục thông quan chính thức tại Cốc Nam – Lũng Nghịu từ tháng 01/2023; (iv) khôi phục hoạt động của các cửa khẩu/lối mở khác như Na Hình – Kéo Ái, Bình Nghi – Bình Nhi Quan, Hoành Mô – Động Trung… nhằm giảm áp lực cho các cửa khẩu đang hoạt động.
Về lâu dài, Bộ Công Thương đề nghị hai bên cần tăng cường hợp tác nâng cao năng lực vận tải đường sắt Việt Nam đi Trung Quốc thông qua địa bàn Quảng Tây trong đó có việc bố trí lực lượng chức năng và hạ tầng kiểm dịch và thông quan các loại nông sản, thủy sản đã được Trung Quốc đã mở cửa thị trường tại cửa khẩu đường sắt quốc tế ga Bằng Tường; đồng thời nghiên cứu biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp hai nước phối hợp phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu (nhất là nông sản) thông qua cửa khẩu biên giới khác thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh và Cao Bằng với Quảng Tây (Trung Quốc).
Cũng trong năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Campuchia, Lào; tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ ký ban hành các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình mở lại hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, tình hình giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, tình hình xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn…
Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu đã xây dựng trình Lãnh đạo Bộ ký Tờ trình số 373/BCT-XNK ngày 04 tháng 7 năm 2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đối với việc thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc theo hình thức chính ngạch tại văn bản số 2538/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.
Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cuốn “Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”. Cẩm nang được phát hành rộng rãi tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cá nhân có liên quan để biết, tham khảo, nhằm hỗ trợ cho người nông dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi xuất khẩu sản phẩm nông sản của chúng ta thúc đẩy xuất khẩu ổn định, bền vững.
Cục còn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào lần thứ XII nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào.
Đa dạng giải pháp tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng tốt nhất các FTA, năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành 09 Thông tư liên quan đến chính sách điều hành hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó 06 Thông tư nội luật hóa quy định về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định FTA; 02 Thông tư hướng dẫn nhập khẩu mặt hàng theo hạn ngạch thuế quan và 01 Thông tư về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch. Các văn bản quy phạm pháp luật được trình ban hành đúng thời hạn, có chất lượng và cơ bản không phát sinh vướng mắc khi đưa vào thực thi.
Bên cạnh đó Cục Xuất nhập khẩu xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ký trình Chính phủ Nghị định về quản lý nhập khẩu hàng tân trang trong Hiệp định CPTPP, sau đó đã tổng hợp ý kiến các Bộ để hoàn thiện danh mục, trình Chính phủ ban hành. Đồng thời, trình Lãnh đạo Bộ ký trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý nhập khẩu hàng tân trang trong Hiệp định EVFTA và UKVFTA.
Cục Xuất nhập khẩu còn tiến hành rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các Nghị định như đánh giá rà soát kết quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và xây dựng Tờ trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Cục Xuất nhập khẩu đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 03 Thông tư liên quan đến chính sách điều hành xuất nhập khẩu, gồm: Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT, Thông số 51/2018/TT-BCT và Thông tư số 05/2020/TT-BCT quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2019/TT-BCT ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ sung Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại một số Thông tư của Bộ Công Thương; và Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Năm 2022, Cục còn xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2035.
Đồng thời, tiến hành thành lập và tổ chức các đoàn kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực như theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kinh doanh tạm nhập tái xuất; Theo dõi tình hình thực hiện hạn ngạch thuế quan của doanh nghiệp nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan; Theo dõi tình hình thực thi Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa...
Để giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, trong năm qua, Bộ Công Thương đã thực hiện hơn 30 buổi tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do như RCEP, CPTPP, EVFTA, UKVFTA, trong đó ứng dụng các hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom, Youtube, Facebook. Đồng thời xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 - 2026.
Bích Ngọc, Văn phòng BĐLNKT