Sáng 11/12, diễn ra Hội nghị Quốc tế Cà phê Việt Nam năm 2022 và đón các nhà nhập khẩu ngành cà phê quốc tế vào Việt Nam giao dịch mua hàng.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại do Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức hàng năm với mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận, chia sẻ thông tin thị trường xuất khẩu, xác định những cơ hội và thách thức, đánh giá năng lực sản xuất và thương mại ngành cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, thúc đẩy các mối quan tâm đối với việc phát triển cà phê thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đánh giá, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường.
Nhiều tiến bộ đã được áp dụng vào sản xuất như: giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh cà phê đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Việt Nam cũng đã bước đầu hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/năm. “Đến hết năm 2021, diện tích cà phê cả nước đạt 710 ngàn ha, năng suất 2,7 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất bình quân của Thế giới. Sản lượng xuất khẩu niên vụ 2021 - 2022 đạt trên 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 3,9 tỷ USD, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua”, ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, ông Phùng Đức Tiến đánh giá, sản xuất cà phê nước ta cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn: tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định và bền vững, các hình thức liên kết từ sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ, ngành cà phê còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước biến động của điều kiện khí hậu và thị trường tiêu thụ. “Hội nghị quốc tế ngành Cà phê Việt Nam là cơ hội tốt để ngành cà phê Việt Nam giới thiệu và quảng bá sản phẩm cà phê đến bạn bè quốc tế và trong cả nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu Việt Nam tiếp xúc trao đổi và kết nối kinh doanh với các nhà nhập khẩu quốc tế, thúc đẩy hợp tác xuất khẩu cà phê”, ông Phùng Đức Tiến đánh giá.
Về phía Bộ Công Thương, ông Lê Hoàng Tài – Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – nhận định, Hội nghị là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu và các doanh nghiệp có tiềm năng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác tiềm năng cũng như tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu, các nhà môi giới thương mại cà phê trên thế giới. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tìm kiếm cơ hội liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất, tận dụng các công nghệ sản xuất chế biến tiên tiết của các doanh nghiệp nước ngoài; mặt khác hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư, mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11 ước tính đạt khoảng 110.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu cà phê 11 tháng năm 2022 ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, với thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu như khu vực châu Á, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, khai thác, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, nhanh chóng giành lại thị phần đã mất và từng bước mở rộng kim ngạch xuất khẩu. Hiện, Việt Nam đang từng bước tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê thô, mở ra triển vọng tính cực cho ngành cà phê.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ về tình hình sản xuất cà phê Việt Nam, định hướng phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thị trường; triển vọng xuất khẩu cà phê Việt Nam, cơ hội và thách thức; vấn đề hợp tác công tư trong phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam; tổng quan thị trường cà phê toàn cầu, kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản Brazil;…
Theo các chuyên gia, bên cạnh những thuận lợi, ngành cà phê đang đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng kéo dài từ dịch bệnh Covid-19, những biến động của tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát, sức mua giảm. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê còn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước xuất khẩu khác như Brazil, Ấn Độ, Colombia,…
Ông Lê Hoàng Tài cho biết, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU,… ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm. Mới đây nhất, ngày 6/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê. Đây rõ ràng là thích thực vô cùng lớn nhưng cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam thay đổi, thích ứng và phát triển.
Trong khi đó ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group - cho rằng, hiện nay, Brazil có diện tích trồng cà phê rất lớn, gây sức ép cạnh tranh rất lớn đối với cà phê Việt. Do đó, cà phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình, đó là cần nhanh chóng đầu tư vào chiều sâu. Cùng với đó là trồng các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững. Đồng thời, cũng cần tạo ra các sản phẩm cà phê có sự khác biệt.
Để nâng cao giá trị cà phê cho nhà sản xuất, đảm bảo cuộc sống ổn định của người trồng cà phê, ông Đỗ Hà Nam cho rằng cần đẩy mạnh các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest, Fairtrade… với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, các nhà rang xay hàng đầu thế giới…
Thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển cà phê như: Đề án phát triển cà phê bền vững; Đề án tái canh cà phê; Đề án sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê; Ban Điều phối ngành hành cà phê Việt Nam.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng biến đổi khí hậu cùng với các gói kỹ thuật thâm canh. Tổ chức liên kết sản xuất gắn với sản xuất an toàn, giảm phát thải carbon.
Để giảm bán hàng theo “bao”, tăng bán hàng theo “gói”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi sự đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu gắn với quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt.