Tin tức

Ngày 2/12, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Hội nghị do Sở Công Thương Quảng Ninh phối hợp với Vụ Thị trường châu Á, châu phi (Bộ Công Thương), UBND TP. Móng Cái tổ chức. Hội nghị còn có sự tham dự của các hơn 130 doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phân phối và xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh đang có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng.

Nhiều thông tin hữu ích được chia sẻ

Hội nghị cung cấp những thông tin hữu ích về tỉnh Quảng Ninh; về thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu và quy định của thị trường cũng như nhu cầu của địa bàn và những gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối với các doanh nghiệp, mạng lưới tiêu thụ tại Trung Quốc.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng và toàn diện đến tất cả các mặt từ kinh tế đến chính trị, xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã luôn sát sao và kịp thời triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong hoạt động giao thương hàng hoá xuất nhập khẩu; tuy nhiên, những yêu cầu về công tác phòng chống dịch của phía Trung Quốc đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics,… ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù vậy, bằng quyết tâm cao nhất nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, không để hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung, khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định hoạt động xuất nhập khẩu, khôi phục thông quan, nhất là tại một số thời điểm khi diễn biến của dịch trở nên vô cùng phức tạp.

Khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc
Hội nghị là dịp để thông tin cụ thể về thị trường, những vấn đề thường gặp khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

Bên cạnh đó, với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã huy động nguồn lực lớn, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng. Tiếp tục thực hiện việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu/lối mở trên địa bàn tỉnh, như nâng cấp quốc lộ 18C (giai đoạn 2) kết nối từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến TP. Móng Cái; xây dựng cầu thay thế ngầm tràn tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc phong Sinh; xây dựng cầu phao tại lối mở biên giới km3+4; cầu Bắc Luân 2; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khởi công xây dựng cảng Vạn Ninh...

Đặc biệt từ ngày 01/9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào khai thác, kết nối với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn tạo thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây, đã đóng góp quan trọng vào phát triển liên vùng và giao thương giữa các nước ASEAN, được kỳ vọng rất lớn sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc
Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh khẳng định, tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu, chế biến sâu, chế biến tinh đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, yêu cầu của nước nhập khẩu, phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu

Phát biểu tại hội nghị ông Đỗ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Móng Cái cho biết: TP. Móng Cái đang tích cực tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng bộ hạ tầng một số dự án trọng điểm nhưng trạm kiểm soát liên ngành Bắc Luân 2, xây dựng cầu sắt tại lối mở Km 3+4… tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản.

Hội nghị cũng là dịp để trao đổi, gặp gỡ giữa đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và các doanh nghiệp của Quảng Ninh nhằm mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.

Ông Lê Biên Cương, Phó vụ Trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đánh giá: Hội nghị trực tuyến xúc tiến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc ngày hôm nay tiếp tục cho thấy sự tích cực và chủ động của địa phương trong việc nắm bắt xu thế thị trường để giúp định hướng đúng sản xuất và kết nối xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Còn nhiều tiềm năng từ thị trường Trung Quốc

Năm 2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc đạt 41,85 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng kim ngạch thương mại Việt Trung. Trong đó, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của Quảng Ninh đạt 12,81 tỷ USD, chiếm gần 31% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với Trung Quốc.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu khi tiêu thụ đến hơn ¼ kim ngạch xuất khẩu nhóm nông thủy sản của Việt Nam. Trong đó, nhiều loại nông thủy sản cụ thể như trái cây, tinh bột sắn, philê cá tra đông lạnh… chủ yếu xuất khẩu đi thị trường này với tỷ trọng lên tới trên 90%. Tuy nhiên, đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng mà đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể khai thác hoặc mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông thủy sản từ Việt Nam của Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 3% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới.

Khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc
Ông Lê Biên Cương, Phó vụ Trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy thị trường, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương 2 nước

Điển hình như hiện nay tại cửa khẩu Móng Cái, các hàng hóa xuất khẩu tập chung chủ yêu là hàng nông sản, thủy sản, và hoa quả, trong đó có quả Thanh Long và loại trái cây có lợi thế cạnh tranh ở Việt Nam. Tỉnh Bình Thuận là một trong những tỉnh có diện tích trồng thanh long là 27.898 ha với sản lượng thu hoạch 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 600.000 tấn.

Trao đổi về khó khăn và đề xuất của địa phương sản xuất nông thủy sản đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận mong muốn Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cung cấp thông tin thị trường, cơ chế, chính sách, hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với hàng nông sản (chủ yếu là thanh long)… để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó, đảm bảo chất lượng xuất khẩu vào các thị trường. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh có thể tiếp tục quan tâm phối hợp trao đổi thường xuyên tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tại tỉnh để có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc
Một số sản phẩm đặc trưng của các tỉnh thành được giới thiệu bên lề hội nghị

Trong khuôn khổ chương trình, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi và chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh đã cung cấp những thông tin cụ thể về thị trường, những vấn đề thường gặp khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đã trao đổi, giải đáp các thắc mắc và hỗ trợ kết nối với thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Vụ cũng đề nghị các doanh nghiệp có thể nghiên cứu, tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua các sàn thương mại điện tử.

Với vai trò là đơn vị phụ trách công tác phát triển thị trường ngoài nước, đồng thời là cơ quan đầu mối của nhiều cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại với phía Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với tỉnh Quảng Ninh trong các công việc liên quan, góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh trong tổng thể quan hệ Việt – Trung”, ông Lê Biên Cương khẳng định.

Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nền kinh tế hàng đầu châu Á như Nhật Ban, Hàn Quốc, ASEAN… trong thập kỷ vừa qua. Trung Quốc cũng nhiều năm liền là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam với quy mô thương mại năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,8% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.

Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT