Tin tức

Ngày 30/11, tại tỉnh Tiền Giang Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường khu vực EVFTA và CPTPP trong bối cảnh mới”.  

Tại hội thảo, đại diện Sở Công Thương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhiều lĩnh vực các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nêu những khó khăn và kiến nghị giải pháp cần tháo gỡ để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường khu vực EVFTA và CPTPP trong bối cảnh mới.

Các đại biểu đều nhìn nhận việc ký kết và tham gia vào các FTA như Hiệp định EVFTA và CPTPP đã thúc đẩy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng sang các quốc gia đối tác. Hiện nay, cơ hội mở rộng xuất khẩu đang hiện hữu, nhưng để tận dụng tối đa các ưu đãi từ FTA vẫn còn là thách thức với nhiều doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thị trường thương mại hàng hóa toàn cầu chịu tác động mạnh mẽ bởi diễn biến khó lường của biến động địa chính trị, dịch Covid-19, giá cước vận tải và nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng cao… hay mới đây nhất là xu hướng lạm phát tại nhiều quốc gia.

Tận dụng hiệp định thương mại tự do thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh mới
Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường trong bối cảnh mới

Để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới, bên cạnh sự hỗ trợ, phổ biến, tuyên truyền, làm rõ hơn các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu hàng hoá sang các khu vực thị trường EVFTA và CPTPP. Qua đó, để các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp nắm rõ các cơ hội, thách thức từ thị trường, đảm bảo tính chủ động trong hoạt động giao thương, kịp thời thích nghi với thị trường, tránh gián đoạn thương mại không đáng có, tránh bỏ lỡ cơ hội từ các khu vực thị trường vốn đã chứng minh được tiềm năng.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường. Trong sản xuất, ngoài việc chủ động kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi từ EVFTA…

Ông Đặng Văn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Thời gian qua, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cũng đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA này. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát việc tiếp cận thông tin về các FTA, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp về các FTA còn chưa cao, nhận thức chưa thực sự đầy đủ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp gặp phải vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA...

Để tiếp tục thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, tận dụng đầy đủ các cơ hội và đối phó với các thách thức của việc gia nhập các FTA, Sở Công Thương Tiền Giang đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khu vực CPTPP và EVFTA trong bối cảnh mới.

Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có cơ chế hỗ trợ kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao kiến thức và năng lực cho cán bộ làm hội nhập kinh tế quốc tế ở địa phương. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, lớp tập huấn cho từng nhóm đối tượng (cán bộ, công chức và doanh nghiệp) theo từng nội dung cụ thể gắn với thực tiễn phát triển của tỉnh. Bộ Công Thương xem xét, biên chế riêng cán bộ, công chức đảm nhiệm lĩnh vực xuất nhập khẩu cho các Sở Công Thương.

Cùng với đó, triển khai các chương trình hỗ trợ hội nhập FTA, cụ thể là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ địa phương trong việc kiểm nghiệm đối với nông, thủy sản xuất khẩu.

Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp về các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường các đối tác đã có FTA với Việt Nam. Cũng như tiếp tục thông tin về các hiệp định thương mại tự do, những thách thức, cơ hội, thông tin về các thị trường, các rào cản phi thuế quan và biện pháp phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.

“Trong các hội thảo, tập huấn nói chung, các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng nói riêng, tổ chức theo từng ngành hàng cụ thể để việc cung cấp cũng như tiếp nhận thông tin hiệu quả, thiết thực hơn” - ông Đặng Văn Tuấn đề nghị.

Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về vốn khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo từng nhóm sản phẩm, ngành hàng chung cho từng nhóm địa phương có cùng lợi thế. Hỗ trợ nâng cao nâng cao năng lực, tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, nguồn lực (chuyển đổi số, tạo nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao…) để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về xuất xứ hàng hóa, các vấn đề phát triển bền vững, nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới của các thị trường…

Việc thực thi các iệp định thương mại tư do thế hệ mới đã và sẽ tạo điều kiện, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, đòi hỏi các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững những cam kết của Việt Nam và đối tác để thực thi cho đúng, đồng thời phải có các hành động kịp thời nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình và cho cả nền kinh tế.

Xuân Hải, Văn phòng BCĐLNKT