Tin tức

Hiệp định UKVFTA đã khởi đầu thực thi trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Dù vậy, trong năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều tăng trưởng hơn 17%.

Hiệp định Thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã khởi đầu thực thi trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Dù vậy, trong năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng hơn 17%/năm so với năm 2020, đạt 6,6 tỷ USD.

Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, hiện các doanh nghiệp (DN) đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do trong đó có UKVFTA, nhưng các kết quả đạt được trong tiến trình hội nhập quốc tế thời gian qua chỉ là bước đầu. Trong khi đó, việc tham gia vào các FTA, DN phải thực hiện luật chơi chung với thành viên có trình độ, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, đòi hỏi khắt khe vì thế sức ép cạnh tranh đối với các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là hết sức nặng nề.

Hiệp định UKVFTA: Chất xúc tác đẩy nhanh cải cách thể chế

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trường Anh

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam - cho hay, không chỉ Hiệp định EVFTA mà UKVFTA có tiêu chuẩn rất cao, để xuất khẩu thành công phải đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường. Ví dụ, với mặt hàng da giày, thị trường có nhu cầu về giày mũ da, nhưng lại đòi hỏi nguyên liệu da thuộc để sản xuất, điều này đặt ra thách thức lớn cho DN; mặt khác còn các yêu cầu về bảo vệ môi trường, xuất xứ… “Do vậy, DN phải nắm được các quy định thì mới xuất khẩu thành công; cũng như phải cải thiện năng lực thì mới đáp ứng được các yêu cầu của thị trường” - bà Xuân nhấn mạnh.

Với những thách thức đặt ra, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - Tô Hoài Nam - cho rằng, để thực thi thành công hiệp định cần phải lấy cơ chế làm đòn bẩy. Trong đó, Chính phủ phải thúc đẩy cải cách về cơ chế, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút FDI, có thêm các DN làm đầu tàu hút vốn, làm chất xúc tác cho DN tham gia XK. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành - cũng chỉ ra rằng, chúng ta cần coi UKVFTA chính là chất xúc tác đẩy nhanh về cải cách thể chế. Thông qua đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí giao dịch, thu hút FTA chất lượng, thúc đẩy gắn với chuỗi cung ứng, nâng dần giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.

Đánh giá cao nỗ lực về triển khai xây dựng pháp luật thực thi các cam kết FTA của cơ quan quản lý, tuy nhiên, theo ông Tô Hoài Nam, quá trình rà soát và xây dựng pháp luật cần có cách tiếp cận liên ngành, bao trùm. Từ đó, việc xây dựng pháp luật thực thi UKVFTA và các FTA khác sẽ nâng cao được năng lực thể chế, năng lực hoạt động cho DN... Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, sau thời gian thực thi hiệp định, phải có đánh giá để nhìn thấy hiệu quả mà hiệp định mang lại, cũng như xây dựng và đưa ra được các chính sách mới nhằm hỗ trợ DN.

Đại diện cơ quan tổng hợp thực thi cam kết FTA, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, cho đến nay, xét tổng thể, tư duy xây dựng pháp luật thực thi các FTA của Việt Nam đã được nâng tầm, với cách tiếp cận sẵn sàng chấp nhận các tiêu chuẩn cao hơn mức độ cam kết so với trong khuôn khổ WTO.

Trước các đề xuất, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Bộ chỉ số đánh giá tận dụng các FTA. Việc ban hành Bộ chỉ số kỳ vọng sẽ tạo đột phá về tư duy đối với thực thi FTA, trong đó có UKVFTA.

Ông NGÔ CHUNG KHANH - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên: Bộ Công Thương sẽ đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết cũng như tháo gỡ kịp thời khó khăn của DN nhằm khai thác tốt hiệu quả Hiệp định UKVFTA.

Bích Ngọc Văn phòng BCĐLNKT