Tin tức

Xuất khẩu giày dép sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam tăng trưởng tốt đã kéo xuất khẩu của ngành 7 tháng đạt trên 14 tỷ USD.

Xuất khẩu giày dép sang hầu hết các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam tăng trưởng tốt đã kéo xuất khẩu của ngành 7 tháng lên con số đạt trên 14 tỷ USD.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho biết: 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày tăng trưởng khá với 13%, đạt trên 14 tỷ USD. Mức tăng trưởng này khá đều ở các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ 24%; EU 17,5%...

Xuất khẩu giày dép đạt trên 14 tỷ USD

Ngành da giày vẫn gặp khó khăn trong sản xuất nguyên phụ liệu

Đáng nói, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang các thị trường có FTA tiếp tục có sự phục hồi tích cực. Trong đó, xuất khẩu sang khối thị trường thành viên FTA Việt Nam - EU tăng 18,2%, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tăng 10,5% và thị trường Anh thông qua FTA Việt Nam – Vương quốc Anh tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về triển vọng thị trường da giày nửa cuối năm, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, bên cạnh cơ hội sẽ có rất nhiều thách thức. Tác động của tình hình quốc tế, nhất là các thị trường xuất khẩu trọng điểm của da giày Việt Nam như EU, Mỹ đang có sự sụt giảm tiêu dùng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua.

Trên thị trường xuất khẩu, các sản phẩm của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình cả về chất lượng và giá cả. Để cạnh tranh, ngành cần sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn. Muốn vậy, cần nhập khẩu được nguyên liệu có giá trị cao từ các nước.

Ở khía cạnh này, ngành da giày Việt Nam dù đã đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA nhưng chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu. Đặc biệt với EU, thị trường này có nguồn nguyên phụ liệu tốt, giá trị cao phù hợp để có thể sản xuất sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Việt Nam cũng chưa tận dụng tốt cơ hội để có thể nhập khẩu công nghệ, thiết bị mới trong bối cảnh hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng công nghệ xanh và sạch.

Dưới sức ép của quy tắc xuất xứ quy định trong các FTA tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày đã cải thiện đáng kể, hiện đạt mức 55%, riêng đối với mặt hàng giày thể thao đã đạt 70-80%. Ngành cũng đặt mục tiêu trong thời gian tới nâng dần tỷ lệ nội địa hóa chung toàn ngành lên 70-80%. Dù vậy, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng phải công nhận, ngành vẫn gặp khó khăn về đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu, như mặt hàng da thuộc hàng năm phải nhập hàng tỷ USD do mặt hàng này bị các quy định ngặt nghèo liên quan đến môi trường. Đây cũng chính là hạn chế để ngành da giày tăng tỷ lệ nội địa hoá trong thời gian tới.

Trong kiến nghị gửi lên các cơ quan quản lý, đại diện Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam mong muốn: Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày sẽ sớm được phê duyệt, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới đây. Doanh nghiệp trong nước cần tập trung phát triển nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững.

Để tránh đứt gãy nguồn cung nguyên liệu như đã xảy ra, doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung nhập khẩu vào một số thị trường mà cần đa dạng hóa. Đồng thời, cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

“Ngành da giày mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng ở mức trung bình của thế giới. Nếu muốn có giá trị gia tăng cao, cần phải tiến tới sản xuất được sản phẩm chất lượng cao hơn. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ lao động phải được nâng lên, không thể chỉ sử dụng lao động phổ thông” - bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

7 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép sang các thị trường có FTA với Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng tốt, trong đó thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng 24%; thị trường EU tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuân Tâm, Bộ Công Thương