26 doanh nghiệp logistics Việt Nam đã tham gia kết nối và hợp tác với Đức trong lĩnh vực logistics.
Trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2022, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức thành công chương trình xúc tiến thương mại trong lĩnh vực logistics cho 26 doanh nghiệp logistics Việt Nam từ ngày 11 - 18/10/2022 tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác kinh doanh của đoàn được triển khai tại các thành phố, các bang lớn của Đức như Frankfurt, Düsseldorf, Duisburg, Cologne, Hamburg, Berlin, Leipzig.
Tại Düsseldorf, cuộc tiếp xúc bàn tròn hợp tác kinh tế về logistics Việt Nam - Đức đã diễn ra thành công tại trụ sở của Cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư của Düsseldorf - NRW. Global Business.
Tham dự bàn tròn, phía Việt Nam có ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Đức; ông Ngô Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hiệp hội đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam và đại diện của 26 doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Phía CHLB Đức, thành phần tham dự gồm có ông Karl-Uwe Bütof, Cao ủy phụ trách quan hệ kinh tế khu vực Đông Nam Á, Bộ Kinh tế Dussendorf; ông Björn Schubert, Vụ trưởng Vụ Đổi mới, Bộ Kinh tế Dussendorf; ông Felix Neugart, Tổng giám đốc điều hành của NRW. Global Business; bà Astrid Becker, Giám đốc phụ trách Asia của NRW. Global Business và đại diện một số doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực logistics.
Chia sẻ về tầm quan trọng của ngành công nghiệp logistics, ông Trần Thanh Hải cho biết, logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngành logistics Việt Nam đang tăng trưởng với trên 30.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, giao nhận, chuyển phát...
Mới đây, Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 3/10 quốc gia khu vực Đông Nam Á về chỉ số hoạt động logistics. Tuy nhiên, ngành logistics của Việt Nam còn non trẻ với các doanh nghiệp nhỏ, cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn học hỏi và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Đức - quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực logistics.
Đại diện của NRW. Global Business, bà Astrid Becker đã cung cấp nhiều thông tin, kinh nghiệm quý báu về hoạt động logistics của Đức nói chung và bang North Rhine Westphalia nói riêng, và cho biết các doanh nghiệp Đức rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặt Việt Nam là một trong 5 thị trường ưu tiên hợp tác phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Bùi Vương Anh đã cung cấp thêm thông tin cho các doanh nghiệp về việc tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư, cụ thể như cơ hội từ Hiệp định EVFTA, từ Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức và từ cộng đồng doanh nghiệp hai nước...
Theo ông Bùi Vương Anh, Đức là trung tâm địa lý của EU, có thị trường logistics lớn nhất châu Âu và cơ sở hạ tầng giao thông tiên tiến nhất giúp tiếp cận dễ dàng hơn 500 triệu người tiêu dùng ở châu Âu. Hiệp định EVFTA là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp trao đổi hàng hóa và cũng là cơ hội để phát triển hợp tác logistics với Đức và EU.
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn doanh nghiệp logistics Việt Nam đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức; Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các doanh nhân Việt kiều tại Đức; tìm hiểu thêm về tiềm năng hợp tác logistics của Đức thông qua kênh người Việt - một kênh cầu nối hữu hiệu cho doanh nghiệp hai nước.
Ngoài ra, đoàn còn có các buổi khảo sát, tham quan trung tâm logistics đường sắt tại Duisburg, thăm trung tâm khai thác hàng hóa tại sân bay Cologne - Bonn, làm việc với MBS Logistics GmbH tại Cologne, trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực vận tải đường sắt và đường hàng không.
Bên cạnh đó, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hamburg, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (OAV) và đại diện cảng Hamburg. Cùng ngày, đoàn đã tham gia tour thăm cảng Hamburg do Cảng vụ Hamburg tổ chức, tìm hiểu về cách vận hành dịch vụ cảng biển logistics. Hamburg là cảng lớn nhất Đức, được gọi là “cửa ngõ vào thế giới”. Đây là cảng nhộn nhịp, sôi động thứ hai tại châu Âu về về lượng TEU thông qua, và lớn thứ 11 trên toàn thế giới.
Kết thúc chương trình, đoàn đã khảo sát tại trung tâm logistics của Amazon tại Leipzig, trung tâm logistics hàng không tại sân bay Leipzig Halle và Trung tâm Hội chợ - triển lãm Leipzig để tìm hiểu thực tế về hệ thống logistics của Amazon cũng như cách vận hành vận tải hàng không của Đức.
Có thể nói, chương trình xúc tiến trong lĩnh vực logistics của đoàn Việt Nam đã diễn ra rất thành công tại các thành phố lớn của Đức. Đoàn đã học hỏi và tìm hiểu được đầy đủ các phương thức vận tải từ đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không và mở ra nhiều cơ hội hợp tác với thị trường Đức nói riêng và EU nói chung, tận dụng các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại.