Bà Nguyễn Hoàng Thúy, tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu đã chia sẻ về những thay đổi trong xuất khẩu dệt may vào EU.
Xin bà chia sẻ cụ thể về những thay đổi của thị trường EU đối với mặt hàng dệt may và da giày xuất khẩu sang khu vực này?
Tại EU, tiêu thụ hàng dệt may, tính trung bình, đứng thứ tư trong các ngành có tác động tiêu cực đối với môi trường và biến đổi khí hậu và đứng thứ ba trong việc tiêu thụ nước và sử dụng đất. Ngoài ra, hiện có xu hướng sử dụng hàng dệt may trong thời gian rất ngắn trước khi vứt bỏ cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Hàng năm, ở EU có khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may bị loại bỏ, tương đương với 11kg/người. Do vậy, EU đã thay đổi cách tiếp cận đối với các thách thức về tính bền vững và bằng việc loại bỏ các luật mềm như hướng dẫn quốc tế để chuyển sang các luật cứng như qui định và chỉ thị có tính ràng buộc pháp lý.
Vào cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới và qui định thiết kế sinh thái EU, là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn về một nền kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và ô nhiễm môi trường.
Chiến lược này yêu cầu các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để chúng có thể sử dụng lâu hơn, có thể được sửa chữa và sau đó được tái sử dụng. Nói cách khác, nằm trong một vòng tuần hoàn.
Ngoài các tiêu chí thiết kế, Quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa, và thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng. Một yếu tố nữa là tăng cường thực thi việc bài trừ các hành vi quảng cáo sai lệch về thời trang bền vững. Đây là hành vi mà các thương hiệu thời trang hay sử dụng để tiếp thị sản phẩm là thời trang bền vững nhưng lại không thực thi các qui chuẩn nghiêm ngặt của thời trang bền vững.
Đề xuất cũng bao gồm các biện pháp chấm dứt việc tiêu hủy hàng tiêu dùng tồn đọng, cũng như mở rộng hoạt động mua sắm công xanh và cung cấp các ưu đãi cho các sản phẩm bền vững.
Theo đánh giá của Thương vụ, khó khăn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam để đáp ứng những tiêu chuẩn này là gì?
Chính phủ gần đây đưa ra nhiều cam kết mạnh, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu xuyên suốt, xác định tiến hành chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là biện pháp có tính dài hạn. Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 cũng nhấn mạnh quan điểm phát triển xuất nhập khẩu gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Như vậy, việc sản xuất bền vững là xu thế bắt buộc. Tuy nhiên, để đáp ứng những tiêu chuẩn về dệt may bền vững các doanh nghiệp vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, nguồn cung nguyên phụ liệu của chúng ta phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ bông, xơ, vải, nguyên phụ liệu… nên khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Thứ hai, chúng ta chưa có quy hoạch về không gian phát triển cho ngành dệt, nhuộm nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi thị trường EU, đặc biệt là thị trước Bắc Âu là các thị trường khó tính, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn môi trường.
Thứ ba, chi phí cho phát triển sản phẩm bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn có thể truy xuất rõ ràng ở tất cả chuỗi cung ứng, đòi hỏi chi phí và nhân lực chất lượng cao từ khâu dệt, nhuộm, đến thiết kế, và sản xuất mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được.
Thứ tư, vấn đề tái chế nguyên phụ liệu cũng là một bài toán khó đặt ra cho doanh nghiệp.
Việc áp các tiêu chuẩn này có lộ trình ra sao? Các doanh nghiệp dệt may sẽ phải thay đổi tư duy sản xuất cung ứng sản phẩm vào EU nói chung, Bắc Âu nói riêng như thế nào, thưa bà?
Quy định thiết kế sinh thái cuối cùng phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối năm 2023, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU sẽ phải có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm chủ yếu từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội và môi trường. Thời trang nhanh không còn là mốt, và các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng được phổ biến rộng rãi. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Hệ sinh thái hàng dệt may tuần hoàn đang phát triển mạnh, được thúc đẩy bởi năng lực tái chế sợi thành sợi sáng tạo, trong khi việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nghiên cứu và đổi mới theo các xu thế và quy định trên. Đồng thời, đi tắt, đón đầu các xu hướng để bứt phát thành công.
Xin cảm ơn bà!