Hội nghị Cấp cao APEC 2022 diễn ra tại Thái Lan vào tháng 11 tới sẽ kết nối, trao quyền cho khu vực trước những cơ hội mới.
Thái Lan đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), vào tháng 11 tới. Vai trò chủ nhà đi kèm với những cơ hội lớn và những nhiệm vụ đối với Thái Lan do tầm quan trọng lâu đời của APEC cũng như bối cảnh đặc biệt của năm nay.
APEC được thành lập năm 1989 với Thái Lan là thành viên đồng sáng lập. Diễn đàn quan trọng về hợp tác kinh tế kể từ đó đã có sự tham gia của 21 nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt nhiều thập kỷ, giá trị cốt lõi của APEC vẫn là thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Hiện nay, APEC là nơi sinh sống của hơn 2,8 tỷ người với tổng GDP hơn 53 nghìn tỷ USD, hơn một nửa GDP của thế giới và thương mại toàn cầu.
Chủ trì cuộc họp vào năm đầu tiên sau khi nới lỏng đại dịch Covid-19, chủ đề của Thái Lan cho APEC năm 2022, "Mở. Kết nối. Cân bằng" chỉ ra các nhiệm vụ then chốt là mở ra các cơ hội cho khu vực, kết nối trên tất cả các khía cạnh và giúp đạt được sự cân bằng trong mọi lĩnh vực. 21 nền kinh tế của APEC, sử dụng cuộc họp hàng năm để thảo luận về các con đường thúc đẩy thương mại và tiến bộ kinh tế trên nhiều khía cạnh, đặc biệt được hưởng lợi trong năm nay do nhu cầu của họ được kết nối lại, mở ra các cơ hội mới cho tăng trưởng và xây dựng khả năng chống lại các thách thức đang nổi lên.
Các sáng kiến do Thái Lan dẫn đầu phù hợp với các mục tiêu này bao gồm: Làm mới đàm phán về Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) thông qua lăng kính hậu Covid-19, hình thành Nhóm đặc trách về an toàn đi lại để điều phối việc nối lại an toàn và liền mạch các chuyến du lịch xuyên biên giới và đảm bảo chứng thực cho các Mục tiêu Bangkok về Nền kinh tế xanh tuần hoàn sinh học (BCG) với tư cách là tài liệu cấp lãnh đạo cam kết APEC đối với kinh tế về môi trường.
Hơn nữa, Thái Lan đã dành sự quan tâm trong năm nay với tư cách là nước chủ nhà hỗ trợ công nghệ kỹ thuật số và đổi mới để phát triển năng lực con người, thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trao quyền cho phụ nữ thông qua sự tham gia kinh tế toàn diện hơn và hỗ trợ bền vững du lịch.
Từ tình trạng ảm đạm do Covid-19 mang lại, năm 2022, APEC tự nỗ lực để không chỉ phục hồi các nền kinh tế của mình mà còn vươn lên mạnh mẽ hơn và được trang bị tốt hơn để đạt được thịnh vượng lâu dài. Thái Lan, với vai trò chủ nhà, sẽ có thể thể hiện khả năng của mình với tư cách là một trong những thành viên sáng lập của diễn đàn. Tuần lễ các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra từ ngày 14 - 19/11, trong khi Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra vào ngày 18 - 19/11 tại Bangkok.
Trước cuộc họp chính, sẽ có một loạt các cuộc họp, bao gồm Hội nghị các quan chức cấp cao APEC cuối cùng, cũng như Hội nghị Bộ trưởng APEC, với sự tham dự của các Bộ trưởng Thương mại và Ngoại giao. Để chuẩn bị cho hội nghị này, Thái Lan đã sẵn sàng công tác chuẩn bị an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh APEC. Các sĩ quan an ninh đã trải qua khóa đào tạo về chỉ đạo giao thông, dẫn đầu đoàn môtô của các đại biểu APEC cũng như trải qua các cuộc diễn tập về an ninh và sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Cảnh sát thủ đô sẽ tổ chức một cuộc diễn tập an ninh cuối cùng vào đầu tháng 11 cùng với các quan chức Bộ Ngoại giao.