Tin tức

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương đã tổ chức Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA”.

Đánh giá về kết quả sau 2 năm tận dụng UKVFTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ, điểm thứ nhất, Hiệp định này có lợi ích cho cả hai phía và con số tích cực là tăng trưởng xuất khẩu của Vương quốc Anh sang Việt Nam cao hơn tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh. Trong bối cảnh chúng ta đang có thặng dư thương mại với Vương quốc Anh thì việc Anh xuất khẩu nhiều sang Việt Nam có một số điểm tích cực. Thứ nhất là giúp cán cân thương mại cân bằng hơn; thứ hai là các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được nhiều hơn các nguồn nguyên liệu, các công nghệ, các sản phẩm mà Vương quốc Anh có thế mạnh để giúp nâng cao năng lực sản xuất.

Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA

Điểm thứ hai, khi theo dõi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh có thể nói đại đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%, ví dụ như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… Điều này cho thấy, các doanh nghiệp cũng đã hướng đến thị trường Vương quốc Anh là một kênh để đa dạng thị trường.

Còn một điểm thú vị nữa khi nhìn vào kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh thì có thể thấy đây là một trong những thị trường được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng về nguồn nguyên liệu khá tốt.

Ví dụ kim ngạch nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh tăng cho thấy có một số doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng vải nhập khẩu từ Vương quốc Anh về để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều đó là tốt bởi nhập vải về sau đó cắt và may giúp chúng ta đạt được quy tắc xuất xứ và thậm chí là nâng cao được giá trị sản phẩm.

Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA
Xuất khẩu sang Anh tăng trưởng tốt thời gian qua

Thứ hai là các nguyên phụ liệu cho da giày, dệt may, nguyên phụ liệu, dược phẩm, thức ăn gia súc tăng, tức là phần lớn các mặt hàng nhập khẩu đầu vào tăng tốt. Đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, nhất các mặt hàng xa xỉ tại Vương quốc Anh giảm. Ví dụ ô tô giảm, điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính giảm... Như vậy là Vương quốc Anh đang trở thành một nguồn cung cấp nguyên vật liệu giá trị cao, công nghệ tốt cho chúng ta. Đây là một điểm nên phát huy trong thời gian tới.

Chia sẻ rõ hơn về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Ngô Chung Khanh chia sẻ, thuận lợi đầu tiên là doanh nghiệp được hưởng lợi về thuế với mức cắt giảm thuế lên đến trên 88% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Lợi thế thứ hai chính là tư duy mở rộng hiện nay của Vương quốc Anh. Bởi vì Vương quốc Anh sau khi Brexit phải tích cực thúc đẩy các quan hệ thương mại để đa dạng hóa nguồn cung. Trong bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung, họ sẽ hướng đến các thị trường có FTA, trong đó Việt Nam cũng sẽ là một trong những thị trường Vương quốc Anh quan tâm.

“Ví dụ thời gian qua, nhu cầu của thị trường Anh đối với gạo Việt Nam tăng rất lớn so với thời điểm chúng ta chưa có UKVFTA. Như vậy, rõ ràng nhà nhập khẩu Anh hướng đến Việt Nam nhờ UKVFTA để đa dạng nguồn cung” – ông Ngô Chung Khanh phân tích.

Một điểm thuận lợi nữa là Vương quốc Anh là một thị trường lớn, sức mua cao. Mặc dù hiện nay đang có những khó khăn nhất định nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng và đặc biệt xuất khẩu của chúng ta sang Vương quốc Anh đạt kết quả tích cực và thặng dư chúng ta có với Vương quốc Anh so với các thị trường khác cũng là một trong những điểm sáng.

Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, trước đây khi chưa có sự kiện Brexit thì Vương quốc Anh đã là một thị trường khá quan trọng, khá lớn của sản phẩm Việt Nam, cụ thể sản phẩm gỗ chúng ta xuất khẩu sang thị trường Anh thường chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các nước thành viên của EU.

Với việc Vương quốc Anh không còn là một thành viên của EU nữa, lúc đầu các doanh nghiệp cũng có băn khoăn, lo lắng nhưng UKVFTA đã giúp kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của chúng ta vào Anh đã đạt trên 265 triệu USD năm 2021, tăng trên 18% so với năm trước đó.

“Một điều rất quan trọng, sản phẩm gỗ mà chúng ta xuất khẩu sang Anh có đến trên 92% là đồ mộc, đồ nội thất là nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn so với các sản phẩm gỗ được dùng làm vật liệu trung gian cho các công đoạn chế biến tiếp theo trong ngành công nghiệp gỗ và các doanh nghiệp của chúng ta cũng đã tận dụng được cơ hội mà UKVFTA mang lại” – ông Ngô Sĩ Hoài nói.

Vượt qua khó khăn

Bên cạnh thuận lợi, về khó khăn, ông Ngô Chung Khanh cho hay, đầu tiên Vương quốc Anh là thị trường có tiêu chuẩn cao. Tiêu chuẩn của họ, thu nhập của họ cao, tư duy của họ đối với môi trường, đối với lao động khác có sự khác biệt mà doanh nghiệp cần phải chú ý. Đối với vấn đề này có thể nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen, cần phải có thêm thời gian để thích ứng, đấy là khó khăn thứ nhất.

Khó khăn thứ hai, Vương quốc Anh có quan hệ truyền thống với các nước thuộc địa. Ví dụ hiện nay Vương quốc Anh nhập khoảng tầm hơn 600.000 tấn gạo thì đại đa số thị phần đến từ Ấn Độ, Pakistan bởi vì người Ấn Độ, Pakistan chiếm rất đông ở Vương quốc Anh, cho nên họ có truyền thống làm ăn với các nước thuộc địa. Để tham gia được vào chuỗi cung ứng hoặc chuỗi quan hệ làm ăn lâu đời cũng là một thách thức của doanh nghiệp Việt.

Khó khăn thứ ba nữa chúng ta phải cạnh tranh với chính các nước thuộc địa trên thị trường Vương quốc Anh, chẳng hạn về gạo chúng ta phải cạnh tranh với gạo Pakistan hay gạo Ấn Độ.

Ông Ngô Sĩ Hoài chia sẻ thêm, khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh, chúng ta gặp phải một số khó khăn. Anh là những là một thị trường bao gồm những khách hàng rất khó tính, người tiêu dùng chi tiêu rất cẩn thận, rất dè dặt chứ không phải như là một số các thị trường khác.

Anh cũng là một quốc gia có ngành công nghiệp gỗ phát triển rất lâu đời. Chính từ Anh, công nghiệp gỗ dịch chuyển sang một số các nước như Mỹ như Đức như Nhật, sau đấy mới đến các “con rồng Châu Á” và đến Việt Nam.

Cho nên thực sự họ rất khó tính về mẫu mã, kiểu dáng và đặc biệt Anh đặt ra một số những yêu cầu rất nghiêm khắc về mặt môi trường. Bởi vì sản phẩm gỗ liên quan đến rừng - một bộ phận rất quan trọng của môi trường sống và Anh kể cả khi còn là thành viên của EU cũng như hiện nay sau Brexit luôn luôn dương ngọn cờ về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, về việc làm thế nào để giảm phát hành khí nhà kính...

Cho nên thường các doanh nghiệp của chúng ta khi xuất khẩu vào Anh phải đặc biệt chú ý đến tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Doanh nghiệp phải minh bạch, phải làm sao để sản phẩm của chúng ta đưa vào chuỗi cung ứng cho sản phẩm xuất khẩu sang Anh được khai thác một cách hợp pháp.

Về giải pháp, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nhấn mạnh: “Với những đối tác ở thị trường Anh, một yêu cầu rất quan trọng là “chơi” theo cơ chế thị trường”.

Theo đó, với thị trường Anh và đặc biệt là các đối tác trong trong Hiệp định UKVFTA, cần lưu ý một số nội dung.

Thứ nhất là tăng cường việc đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư đến từ Vương quốc Anh và Bắc Ailen bởi vì lý do ở đây để tạo ra niềm tin rằng Việt Nam vẫn đang là một nền kinh tế ổn định phục hồi nhanh và phát triển, sẵn sàng với những cuộc chơi tiêu chuẩn cao.

Yếu tố thứ hai là các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương cần tăng cường cung cấp thông tin nhiều hơn về thị trường Anh, đặc biệt là những nghiên cứu về các xu hướng mới, các yêu cầu mới để tiếp cận thị trường Anh.

Ngoài ra, trong bối cảnh mới, kênh xúc tiến thương mại số cũng là một kênh mà có thể Bộ Công Thương cần thúc đẩy bởi vì năm ngoái Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1968 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Bây giờ sẽ đến giai đoạn triển khai làm thế nào để có những nền tảng, có những hệ sinh thái xúc tiến số đáp ứng được đúng yêu cầu của doanh nghiệp, từng hiệp hội doanh nghiệp.

Thanh Tùng, Bộ Công Thương