Tin tức

Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng chiếm 11,3% tổng lượng và 10,4% tổng trị giá trong quý I/2022. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Bỉ bứt phá mạnh đã tác động tích cực lên toàn ngành.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt 65,7 nghìn tấn, trị giá 135,3 triệu USD, tăng 446,8% về lượng và tăng 580% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt mức 2.054 USD/tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Bỉ trong quý I/2022 đạt mức 2.054 USD/tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Bỉ trong quý I/2022 đạt mức 2.054 USD/tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021

Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng chiếm 11,3% tổng lượng và 10,4% tổng trị giá trong quý I/2022. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Bỉ bứt phá mạnh đã tác động tích cực lên toàn ngành.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 58.700 tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng hơn 28% về lượng và hơn 60% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng gần 25% so với cùng kỳ là yếu tố giúp kim ngạch tăng mạnh. Đây cũng là giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê tính theo quý cao nhất từ trước đến nay của ngành hàng cà phê. Xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường chính đều tăng như: Đức, Bỉ, Anh, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Philippines.

Theo Bộ Công Thương, với cam kết xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cà phê xuất khẩu sang EU sẽ có 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là một cơ hội tốt cho cà phê Việt Nam khi EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Trong số các thị trường thành viên EU, cà phê Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Đức, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu năm 2021 cho thấy, Bỉ là nhà nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ ba của châu Âu. Hơn 96% lượng cà phê nhập khẩu của Bỉ có nguồn gốc trực tiếp từ các nước sản xuất cà phê, nguồn cung trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, Bỉ cũng là nước tái xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất ở châu Âu. Bỉ chủ yếu tái xuất khẩu sang các nước láng giềng: Hà Lan chiếm 55% lượng cà phê nhân tái xuất của Bỉ vào năm 2020. Các nhà nhập khẩu cà phê quy mô lớn và chuyên biệt của Hà Lan thường sử dụng các cảng của Bỉ cho hoạt động của họ. Các thị trường tái xuất khẩu khác của Bỉ là Pháp (25%) và Đức (4,1%).

Bỉ còn là một trung tâm thương mại cà phê quan trọng ở châu Âu. Một phần lớn cà phê được giao dịch trên thế giới đến cảng Antwerp, nơi được sử dụng cho mục đích trung chuyển. Đây là nơi lưu trữ cà phê lớn nhất trên thế giới, cho phép lưu trữ hơn 250 nghìn tấn cà phê.

Cảng Antwerp chiếm khoảng 50% hoạt động kinh doanh hậu cần cà phê của châu Âu. Trong khi đó, cảng Zeebrugge là một điểm nhập cảnh quan trọng khác của cà phê ở Bỉ. Cảng này cung cấp một cơ sở lưu trữ hiện đại được kiểm soát nhiệt độ và một cơ sở phân phối cà phê nhân cho phần còn lại của châu Âu bằng đường sắt, đường bộ và đường biển. Đầu năm 2021, hai cảng này đã sáp nhập, điều này sẽ củng cố hơn nữa vị thế của Bỉ như một trung tâm thương mại cà phê quan trọng ở châu Âu. Sau khi hoàn thành, các cảng sẽ hoạt động dưới tên ‘Cảng Antwerp-Bruges’.

Do đó, Bỉ sẽ vẫn là một trong những điểm đến quan trọng nhất đối với các nhà xuất khẩu cà phê trong đó có Việt Nam muốn vào các thị trường mục tiêu khác ở châu Âu.

Người tiêu dùng EU nói chung và Bỉ nói riêng đang quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa, nông sản Việt Nam. Lợi thế do Hiệp định EVFTA mang lại đang dần hiện rõ. Vẫn có những áp lực nhất định khi cà phê Việt Nam phải cạnh tranh với cà phê Brazil, Honduras, Colombia, Uganda. Đời sống của người dân châu Âu do lạm phát nên đã bắt đầu điều chỉnh về chi tiêu cũng sẽ ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng.

Năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Bỉ đạt mức 3.182 EUR/tấn (3.440 USD/tấn), tăng 14,4% so với năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Bỉ từ Brazil tăng 16,4%, lên mức 2.277 EUR/tấn (2.462 USD/tấn); từ Việt Nam tăng 17,4%, lên mức 1.638 EUR/tấn (1.771 USD/tấn); từ Honduras tăng 18,4%, lên mức 2.911 EUR/tấn (3.147 USD/tấn). Có thể thấy, giá cà phê nhập khẩu từ thị trường Việt Nam thấp nhất trong nhóm thị trường ngoài khối EU.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cà phê Robusta sang Bỉ. Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta sang Bỉ đạt xấp xỉ 34,5 nghìn tấn, trị giá 65 triệu USD, tăng 466,1% về lượng và tăng 577% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, chủng loại cà phê Arabica có tốc độ xuất khẩu tăng tới 544,8% về lượng và tăng 890,5% về trị giá, nhưng lượng đạt mức thấp.

Theo các chuyên gia, với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan từ Hiệp định EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại thị trường EU nói chung và thị trường Bỉ là rất tiềm năng. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến.

Để nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải tổ chức sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn châu Âu; đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cũng khuyến nghị, để hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và cà phê nói riêng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất theo hướng chứng nhận Global GAP, có biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký tham gia sản xuất theo hướng chứng nhận, phí chứng nhận vùng trồng.

Đào Văn Cường, Bộ NNPTNT