Chỉ rõ những thuận lợi từ Hiệp định EVFTA, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với cam kết cắt giảm sâu và nhanh mức thuế suất, đối với các hàng hóa dịch vụ, các DN trong nước sẽ nâng cao sức cạnh tranh khi giá thành hàng hóa, sản phẩm được giảm xuống. Bên cạnh đó, thực hiện EVFTA, sẽ tạo áp lực thúc đẩy, đổi mới hệ thống pháp luật; cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tư duy quản lý. Đặc biệt, theo ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, với yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, DN trong nước sẽ nâng cao nhận thức sản xuất hàng hóa, không ngừng nỗ lực cải thiện để có thể tự tin hội nhập vào “sân chơi” kinh tế quốc tế.
Cơ hội lớn, nhưng thực tế, để có thể tận dụng hiệu quả của EVFTA, DN Việt Nam còn rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu - cho hay, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng đồng DN đang rất trông đợi vào các FTA, nhất là EVFTA, để có thể rộng đường xuất khẩu, tiếp cận các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, EU là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, trong khi nguồn lực của DN còn rất hạn chế, để vượt qua được các rào cản thương mại không đơn giản.
Doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong sản xuất hàng hóa
Chia sẻ thêm các khó khăn trong việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA của DN nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam cho rằng, tham gia vào thị trường xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt, DN càng bộc lộ những hạn chế vốn có. Theo đó, hệ thống sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu; DN chưa chú trọng đến vấn đề sử dụng nguyên liệu đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; mẫu mã, bao bì thiếu sự đổi mới trước đòi hỏi cao của thị trường. Không chỉ vậy, dịch Covid-19 đang khiến cho nguồn nhân lực của DN biến động, thu hẹp; nguồn lực tài chính cũng đang suy yếu nghiêm trọng… Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, nhiều khuyến cáo dành cho DN trong việc tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, đó là: Những DN có mong muốn tham gia xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm phải có ý thức tìm hiểu thị trường, tìm kiếm hướng đi, chọn phân khúc phù hợp với năng lực của mình. Đồng thời, cần chủ động trước bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số, từng bước nâng tầm kỹ năng về quản trị, văn hóa kinh doanh; thay đổi phương thức sản xuất, theo hướng coi trọng những yếu tố đầu vào như nguồn nguyên liệu, nguồn lao động, các tiêu chuẩn sản xuất…
Nhằm tạo cầu nối và hỗ trợ DN khai thác hiệu quả EVFTA, Hội Doanh nhân quốc Việt Âu đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang thị trường EU cho các thành viên thông qua các chương trình trực tuyến và trực tiếp về cơ hội hợp tác sau đại dịch Covid-19. Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã và đang tập trung tổ chức hoạt động hỗ trợ thông tin cho DN về các FTA cũng như EVFTA rộng rãi, đi vào chiều sâu. Trong đó, trọng tâm mà hiệp hội hướng tới là cung cấp những thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu hàng hóa, thói quen người tiêu dùng của thị trường EU; xây dựng tiêu chí để khuyến khích hội viên áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất hàng hóa.
Để tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, nhà nước cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch; cung thông tin kịp thời cho DN về những biến động của thị trường.
Đào Văn Cường, Bộ NNPTNT