Tròn 8 năm tôi mới trở lại thủ đô Viêng Chăn (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào). Như một cơ duyên kỳ lạ, mấy chuyến đi trước tôi đến Lào thường cùng những người lính mở đường tuần tra biên giới thì chuyến đi này tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương cũng cho thấy những sự mở đường mới. Đó là con đường của hợp tác, giao thương và phát triển…
Covid-19 và điểm nghẽn thương mại
Khi chúng tôi đến Viêng Chăn, mùa hè sắp sang nhưng lúc này nước bạn mới chuẩn bị bước vào những ngày đón Tết năm mới cổ truyền Bunpimay song vắng vẻ hơn nhiều so với những lần trước tôi đến. Người lái xe cho hay đại dịch Covid-19 quét qua đã tác động mạnh mẽ, lâu rồi anh mới được đón một đoàn khách nước ngoài đến.
Nhưng cảm giác vắng vẻ nhanh chóng qua đi khi chúng tôi chứng kiến cuộc hội ngộ nồng ấm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với đồng chí Khampheng Xaysompheang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào và đồng chí Đao-vông Phôn-kẹo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào. Dù mới nhận trọng trách mới tròn một năm nhưng khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đến, hai người đồng cấp đều vui mừng xúc động nhắc lại những lần gặp trước và những chia sẻ, dự định công việc chung.
Buổi sáng 11/4, tại Viêng Chăn, hàng trăm cán bộ ngành Công Thương của hai nước về dự Hội nghị Phát triển thương mại biên giới lần thứ XII. 4 năm trước, hội nghị lần thứ XI tổ chức tại Quảng Bình (Việt Nam), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào Bounmy Manivong cùng lãnh đạo của 20 tỉnh biên giới Việt Nam - Lào và các doanh nghiệp của 2 nước Việt Nam- Lào đã bàn bạc nhiều giải pháp. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 chẳng những làm “ngắt quãng” thời gian tổ chức hội nghị lần thứ XII mà còn tạo ra điểm nghẽn, cản trở dòng hàng hóa thương mại hai chiều. Dẫu vậy, kim ngạch thương mại song phương trung bình giai đoạn 2018-2021 vẫn đạt hơn 1 tỉ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm. Trong đó, riêng năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,37 tỉ USD, tăng 33,32% so với năm 2020, vượt chỉ tiêu hai nước đề ra và trở thành giá trị kim ngạch thương mại song phương lớn nhất trong giai đoạn 10 năm qua.
Dẫu con số ấn tượng như vậy nhưng tại Hội nghị lần thứ XII, cả Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Khampheng Xaysompheang đều thống nhất đánh giá, dù mức tăng trưởng lên đến hơn 33,3% nhưng giá trị tuyệt đối còn quá thấp so với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Một lãnh đạo ngành công thương của nước bạn Lào lên phát biểu cũng trăn trở, trong 5 nước có đường biên tiếp giáp, Lào có đường biên giới với Việt Nam dài nhất, trải dài hơn 2.300 km, đi qua suốt hơn 10 tỉnh của Việt Nam. Vậy mà suốt 10 năm qua, con số kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa hai nước vẫn chỉ lên xuống quanh mốc trên dưới 1 tỷ USD thì quả là… “lãng phí”.
Định hướng chiến lược
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khi phát biểu mở đầu hội nghị đã nhấn mạnh thêm ý nghĩa chính trị lớn lao của sự hợp tác. Đường biên giới hai nước là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Và để khai phá tiềm năng đó, không thể không nhắc đến một chỉ đạo chiến lược đã được Bộ Chính trị hai nước ghi trong Biên bản Thỏa thuận ký ngày 09/01/2022 và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào ký ngày 10/01/2022. Đó là những định hướng chiến lược rất mới và hội nghị lần này của lãnh đạo Bộ Công Thương hai nước là những bước đi đột phá đầu tiên hiện thực hóa kỳ vọng đó.
Tính đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 09 cửa khẩu quốc tế, 06 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 09 Khu kinh tế cửa khẩu…
Tuy nhiên, những ý kiến phát biểu sôi nổi, thẳng thắn tại hội nghị cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn như: Chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau. Hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai các chương trình và thỏa thuận giữa hai có một số nội dung chưa thực hiện được.
Đồng chí Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An nơi có tuyến đường xuyên Á Đông – Tây nối Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam theo quốc lộ 7 đến cảng Cửa Lò mang đến hội nghị những trăn trở, tâm huyết muốn khơi dòng thương mại hai bên chảy mạnh hơn nữa. Hiện tại, riêng tỉnh này hơn 90 doanh nghiệp của Nghệ An tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Lào nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Nghệ An sang Lào năm 2021 chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đồng chí chỉ ra 7 bất cập, hạn chế cần tháo gỡ.
Ông Võ Thái Hiệp - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị - chia sẻ cách làm mới của địa phương như việc tỉnh này ban hành Kế hoạch phát triển thương mại biên giới tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 đồng thời triển khai tích cực; hay việc áp dụng mô hình đổi đầu xe, đổi tài tại các cửa khẩu quốc tế để phòng chống Covid đã giúp giao thương qua các cửa khẩu chuyển biến đáng kể, góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh này tăng bình quân mỗi năm 22,61%.
Cũng như ý kiến của ông Hiệp, đại diện một số địa phương, doanh nghiệp hai bên thẳng thắn chỉ ra, mô hình "một cửa, một lần dừng" có nơi còn bất cập; hạ tầng thương mại biên giới cả 2 bên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; thương nhân và cư dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Thương mại biên giới. Vẫn còn hiện tượng “chi phí không chính thức”, thời gian làm thủ tục còn chậm...Hội nghị đã đưa ra 7 định hướng lớn để thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới.
Con đường năng lượng và khoáng sản
Buổi chiều ngày 11/4, ngay sau hội nghị thương mại biên giới, Diễn đàn doanh nghiệp Lào – Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và mỏ đã được triển khai với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Đao-vông Phôn-kẹo. Hai bên đã thống nhất tới đây, 6 tháng một lần hoặc hàng quý sẽ tổ chức điễn đàn doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác thương mại mạnh mẽ hơn.
Trước đó, khi vừa đặt chân đến Viêng Chăn, dù chuyến công tác diễn ra vào ngày nghỉ chủ nhật nhưng hai Bộ trưởng đã có cuộc hội đàm với nhiều nội dung thiết thực để giải quyết vấn đề nóng: “Bài toán” năng lượng do những xung đột làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năng lượng và khoáng sản là những lĩnh vực trọng yếu mà hai nước cần khai thác và phát huy. Thế giới đã đưa những cam kết rất mạnh mẽ, đến 2050 phải đạt điểm trung hòa các bon, trong đó Việt Nam và Lào đã cam kết. Để giảm phát thải các bon trong lĩnh vực năng lượng thì phải giảm các nguồn điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch và phải tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng để khai thác được năng lượng tái tạo thì bất cứ quốc gia nào phải có những nguồn điện nền như thủy điện hay điện sinh khối. Nước bạn Lào có điều kiện rất thuận lợi để phát triển thủy điện với trữ lượng rất lớn và còn có tiềm năng phát triển điện mặt trời, điện gió.
Với Việt Nam hiện nay, việc chuyển dịch năng lượng là một thách thức lớn. Muốn khai thác tiềm năng điện mặt trời và gió cần có nguồn điện nền năng lượng tái tạo, thủy điện từ Lào. Chính vì vậy, từ năm 2016, Bộ Công Thương Việt Nam đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ hai nước cho thực hiện chủ trương nhập khẩu điện từ Lào. 5-10 năm tới, dự báo điện năng Việt Nam phải tăng trưởng 8-10%. Dư địa để phát triển điện nền ở Việt Nam không còn nhiều, thủy điện đã tới hạn, điện than thì không phát triển được nữa nên rất cần nâng trần room nhập khẩu điện từ Lào, đặc biệt là thủy điện. Vì vậy việc hợp tác phát triển năng lượng không chỉ giúp kinh tế hai nước phát triển mà còn góp phần củng cổ quốc phòng an ninh, nhất là ở khu vực biên giới giữa hai nước.
Cùng với năng lượng thì hai bên có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. “Để khai thác được các tài nguyên còn ngủ yên trong lòng đất, các đồng chí đã có quy hoạch, kế hoạch, có chủ trương khai thác, rất mong có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bộ, đề xuất hai lên Chính phủ, có chủ trương, chính sách phù hợp để tìm kiếm, khai thác, chế biến khoáng sản tốt hơn nữa” – Bộ trưởng nhấn mạnh và nêu gợi ý một số lĩnh vực có thể hợp tác trước mắt như than, quặng sắt.
Đồng tình với những ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Đao-Vông Phôn-kẹo tin tưởng sẽ nỗ lực góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa từ Lào sang Việt Nam, trước hết trong lĩnh vực mua bán điện. Còn về khoáng sản hai bên có thể hợp tác về quặng sát, đất hiếm và đề nghị các công ty Việt Nam nên đầu tư chế biến ở bên Lào thay vì nhập thô để phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhân dân Lào. Bộ trưởng mong muốn hợp tác trong lĩnh vực than đá có thể là đầu tiên, kiểu mẫu cho những lĩnh vực tiếp theo.
Từ đầu tháng 4 đến nay, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hàng loạt cuộc họp quan trọng về các vấn đề “nóng” như bảo đảm nguồn cung ứng than cho điện, cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt, phục hồi kinh tế... Câu chuyện than cho điện dường như đã là điều trăn trở, đau đáu đối với Bộ trưởng và lãnh đạo bộ cả tháng nay. Nỗi lo thiếu điện đã được dự báo từ nhiều năm trước và kể từ tháng 4 năm ngoái, khi về Bộ Công Thương ngồi “ghế nóng”, dù đã bắt tay ngay vào cuộc với rất nhiều chỉ đạo quyết liệt giải bài toán thiếu điện và thiếu than cho nhiệt điện nhưng câu chuyện không thể giải quyết một sớm một chiều.
Bộ trưởng liên tục làm việc với đại sứ quán các nước để tìm nguồn than cho điện. Có hôm để xúc tiến nhập khẩu than, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc trực tuyến với bà Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Úc và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản hàng đầu của Úc từ lúc 7 giờ sáng.
Trong câu chuyện than hôm nay, Bộ trưởng sôi nổi phân tích thêm ngay trong hội nghị: Nguồn than từ Lào có chất lượng tốt, phù hợp để phối trộn với than của Việt Nam làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy điện và nhà máy đạm. Hiện Việt Nam là một trong 16 quốc gia sản xuất thép lớn trên thế giới. Nguồn nguyên liệu phải vừa sản xuất trong nước vừa nhập khẩu. Các tập đoàn kinh tế tư nhân của Lào còn sở hữu nhiều mỏ sắt nên cơ hội hội hợp tác còn nhiều. Không chỉ dừng ở khai thác mà phải chế biến, giúp phát triển ngành thép cũng như lĩnh vực muối mỏ, các loại kim loại quý và đất hiếm. Cần phải có những giải pháp hiệu quả hơn, mở đường cho sự hợp tác hai nước trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, giúp giải phóng năng lượng, làm giàu cho hai nước.
Bên lề cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc tìm hiểu thực tế tại Tổng Công ty Điện lực quốc gia Lào (EDL) và Tập đoàn Phongsubthavy (PGC). Đây là các doanh nghiệp lớn của Lào, có vai trò quan trọng trong hợp tác mua bán điện với Việt Nam thời gian qua. Đó là những “quả đấm thép” trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản của nước bạn.
Làm việc tại Tập đoàn Phongsubthavy, trong câu chuyện ban đầu chủ yếu nói về xuất khẩu điện sang Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bất ngờ hỏi ông Chủ tịch Tập đoàn:
-Tôi nghe nói tập đoàn của ngài còn hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Vậy xin ngài cho biết, các ngài có mỏ than không?
Ông chủ tịch tập đoàn vui vẻ biết ngoài mỏ than có nhiều triệu tấn, còn có mỏ vàng, mỏ quặng sắt và Niken. Cảm ơn lời khuyên của Bộ trưởng: Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi cùng nhau. Việt – Lào tình nghĩa anh em nên hiện tại hầu hết các dự án đều hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ gợi ý của Bộ trưởng, cuộc gặp gỡ sôi động hẳn lên, trở thành diễn đàn cho các doanh nghiệp và hiệp hội ở Việt Nam đi cùng trực tiếp trao đổi công việc, dự định hợp tác.
Mở đường giữa mùa hoa chăm-pa
Cuối buổi chiều ngày 11/4, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có cuộc tiếp kiến đồng chí Phăn-khăm Vị-pha-văn, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Dù công việc bộn bề giữa những ngày giáp Tết cổ truyền của Lào nhưng đồng chí vẫn dành cho Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác cuộc gặp gỡ ấm áp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo với Thủ tướng Lào kết quả của Hội nghị thương mại biên giới và Diễn đàn doanh nghiệp Lào – Việt Nam cùng những nỗ lực muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và công nghiệp giữa hai bên hơn nữa, để tương xứng với tiềm năng của hai nước và kỳ vọng mà lãnh đạo mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Lào luôn mong muốn, dày công vun đắp, kiến tạo mối quan hệ thủy chung son sắt, hợp tác toàn diện, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
Rất đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thủ tướng Lào Phăn-khăm Vị-pha-văn đánh giá cao chuyến công tác đã góp phần hiện thực hoá các chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước. Thủ tướng ghi nhận những đề xuất của 3 Bộ trưởng Công Thương, Bộ Năng lượng và mỏ, sẽ sớm chỉ đạo các ban ngành giải quyết, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Nêu con số gần 100 trăm triệu dân Việt Nam là một thị trường rất lớn đối với Lào, Thủ tướng mong muốn hợp tác hai bên phải mạnh mẽ hơn nữa. Thật thú vị, Thủ tướng Lào Phăn-khăm Vị-pha-văn nhắc đến nước mắm và các loại hải sản Việt Nam rất ngon, người dân Lào rất thích cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Thủ tướng mong muốn Bộ Công thương hai nước phải bàn bạc với nhau cụ thể, có “danh sách” những mặt hàng hai bên cần để thúc đẩy dòng chảy hàng hóa. Ông cho rằng chỉ cần làm được điều đó thì kim ngạch hai chiều sẽ không dừng ở 2 tỷ USD mà sẽ vượt 22 tỷ. Vấn đề năng lượng hai bên cũng cần phải hợp tác thật hiệu quả.
Câu chuyện và những chia sẻ của Thủ tướng Lào khiến tôi nhớ đến hình ảnh hai con đường chiến lược đã được nhiều lãnh đạo và doanh nhân Lào nhắc đến trong các cuộc làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: đường cao tốc Viêng chăn – Hà Nội và đường sắt và đường không, cảng biển (nhất là cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh); giúp Lào thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm logistics ở khu vực và có kết nối ra biển, đại dương. Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc với Thủ tướng Lào tháng giêng năm 2022 vừa qua.
Con đường chiến lược giúp Lào hướng ra biển ấy thể hiện tình cảm sắt son, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt hiếm có trên thế giới giữa hai dân tộc. Lào là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không giáp biển nên đây là một hạn chế rất lớn đối với phát triển kinh tế. Nhà nghiên cứu Paul Collier đã từng nói: “Nếu bạn có biển, bạn phục vụ thế giới; nếu bạn không giáp biển, bạn phục vụ láng giềng của mình”. Việc Việt Nam giúp Lào có biển chẳng khác một câu chuyện “cổ tích của thế kỷ XXI”, có một không hai trên thế giới. Với con đường chiến lược này, Việt Nam giúp Lào từ nước không có biển thành nước có biển. Nhờ đó, Lào sẽ tiếp cận cảng biển Vũng Áng như cửa ngõ vào ASEAN cũng như một số cảng biển khác. Và câu chuyện mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng hai bộ trưởng của nước bạn Lào nỗ lực hôm nay, đang góp phần khai mở tốt hơn con đường đó.
Rời Phủ Thủ tướng Lào, chúng tôi đi qua Patuxay, người dân đất nước Triệu Voi ví như khải hoàn môn của thành phố, công trình được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào và từng dở dang từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nó thể hiện một phần lịch sử nghèo khó của đất nước và cũng như một lời nhắn nhủ đến thế hệ sau này biết đến quá khứ khó khăn để phấn đấu xây dựng đất nước trong tương lai.
Hoa chăm pa bắt đầu nở rộ giữa quảng trường Patuxay. Mùa hoa chăm pa thường đúng vào dịp Tết cổ truyền Bunpimay bất giác gợi cho tôi nghĩ đến những con đường cùng vượt qua khó khăn dựng xây đất nước của hai dân tộc. Những con đường khai mở giao thương không tự nhiên mà có được nhưng chắc chắn sẽ hình thành bằng tâm huyết, trí lực của những người đang gắng sức mở đường giữa mùa hoa Chăm-pa hôm nay…
Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT