Tin tức

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ triển khai hiệu quả các sáng kiến trong tiến trình hợp tác, lĩnh vực tài chính ngân hàng ASEAN ngày càng hội nhập sâu hơn và duy trì trạng thái tương đối ổn định trước các bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 7/4/2022, Hội nghị cấp cao ASEAN 2022 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chuỗi các hoạt động quan trọng.

Tại Phiên họp giữa các Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Thứ trưởng Tài chính ASEAN với Bộ Tài chính Mỹ, đại diện Bộ Tài chính Mỹ đã trao đổi và thảo luận với các Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Thứ trưởng Tài chính ASEAN về phục hồi kinh tế và tài chính số. Trong đó, các đại biểu chia sẻ, quá trình phục hồi kinh tế của các nước ASEAN đang đối mặt với một số rủi ro từ việc các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa leo thang gây áp lực lạm phát gia tăng và sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về tài chính số, Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ Tổng thống Mỹ gần đây đã ban hành Sắc lệnh hành pháp về phát triển tài sản số có trách nhiệm trong đó đưa ra các quy định để quản lý các rủi ro và tận dụng các lợi ích của tài sản số và các công nghệ mới. Sắc lệnh nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ khách hàng và nhà đầu tư, ổn định tài chính, an ninh quốc gia khi phát triển tài sản số.

ASEAN thúc đẩy ổn định và hội nhập tài chính
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị

Các nước ASEAN cũng đã chia sẻ về quan điểm và thực tiễn của các nước về phát triển tài sản số, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số trong thu ngân sách và triển khai đồng tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC). Đồng thời, các nước cũng đề xuất và hi vọng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm cho các nước ASEAN để thúc đẩy phát triển tài sản số tại khu vực. Các bên cam kết tiếp tục duy trì và tăng cường hợp tác giữa Bộ Tài chính Mỹ và Bộ Tài chính và NHTW các nước ASEAN, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng hợp tác triển khai các nội dung nêu trên trong thời gian tới.

Tại Phiên đối thoại giữa các Thống đốc Ngân hàng NHTW với Tổng Giám đốc (CEO) các định chế tài chính ASEAN, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận về hai chủ đề đang được quan tâm hiện nay, đó là: Khuôn khổ dữ liệu liên thông và Thanh toán xuyên biên giới sử dụng mã QR trong khu vực ASEAN và Tăng cường kết nối tài chính khu vực ASEAN.

Đồng thời, các đại biểu đồng quan điểm Khuôn khổ dữ liệu liên thông trong lĩnh vực ngân hàng ASEAN có thể mang lại những lợi ích to lớn đối với cộng đồng ASEAN như đổi mới các sản phẩm dịch vụ để mang lại lợi ích cho nhóm đối tượng chưa được phục vụ và tiếp cận bởi ngân hàng; tiếp cận thông tin toàn diện hơn để phục vụ cho việc hoạch định chính sách; nâng cao tính minh bạch và toàn vẹn của thông tin chia sẻ và nâng cao hiệu quả và tính tuân thủ (chẳng hạn như các chương trình phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố).

Kết quả của Khuôn khổ này sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, đặc biệt là trong việc tạo ra một luồng dữ liệu liên lãnh thổ, không bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý. Các đại biểu cũng ủng hộ và đánh giá cao ý tưởng về tăng cường kết nối tài chính khu vực ASEAN thông qua việc thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới liên thông và đa phương để kết nối tất cả các quốc gia ASEAN, từ đó cho phép người dân có thể tiến hành và nhận các khoản thanh toán kịp thời, hiệu quả về chi phí và an toàn.

ASEAN thúc đẩy ổn định và hội nhập tài chính
Các đại biểu tham dự hội nghị

Tại Hội nghị Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính ASEAN (AFCDM), sau phần chia sẻ của nước chủ nhà Campuchia về các ưu tiên hợp tác ASEAN trong năm 2022, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về diễn biến kinh tế trong thời gian qua và lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ của ASEAN, trong đó tập trung vào kết quả hoạt động và ưu tiên hợp tác trong thời gian tới của các Nhóm công tác. Các đại biểu có chung nhận định triển vọng kinh tế khu vực bị ảnh hưởng nhất định do tác động của đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị hiện nay.

Về nội dung hợp tác tài chính bền vững, các đại biểu đánh giá cao việc hoàn thành và công bố Tài liệu về Hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy), thể hiện cam kết chung của các nước thành viên ASEAN trong việc chuyển đổi hướng tới một khu vực phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đánh giá cao nỗ lực của các Nhóm công tác ASEAN trong việc triển khai hiệu quả các sáng kiến trong tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ ASEAN trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Nhờ đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng ASEAN ngày càng hội nhập sâu hơn và duy trì trạng thái tương đối ổn định trước các bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà kiến nghị các Nhóm công tác cần đưa các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như chuyển đổi số và tài chính bền vững vào ưu tiên hoạt động của các Nhóm. Đồng thời khẳng định cam kết của NHNN trong việc thúc đẩy ổn định và hội nhập tài chính trong khu vực ASEAN để đảm bảo tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực.

Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT