Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì điều khoản về tính bền vững đang dần được đưa vào các hệ thống quản lý tại thị trường EU.
Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), cùng với thanh long, mì ăn liền là sản phẩm bị EU nâng tần suất kiểm tra, theo thông báo ngày 15/12/2021. Cả hai sản phẩm hiện chịu mức 20%, bắt đầu từ ngày 6/1/2022.
Theo định kỳ, 6 tháng một lần, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm. Thông báo sắp tới sẽ được công bố vào tháng 6/2022.
Ông Matthieu Penot – Tùy viên Hợp tác thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - nhận định, nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những nhà cung cấp rau quả và gia vị hàng đầu trên toàn cầu. Việt Nam cũng đã chứng minh rằng là quê hương của một số sản phẩm chất lượng cao nhất. Hiệp định EVFTA đã công nhận và đưa ra biện pháp bảo hộ đối với một số loại cây trồng nổi tiếng của Việt Nam. 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được liệt kê trong EVFTA của chúng tôi, có thể kể đến như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận,…
Vẫn còn những lĩnh vực cần cải thiện. Nhìn vào danh sách năm 2021 các sản phẩm tươi nhập khẩu từ Việt Nam và phải kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên hơn tại biên giới EU, ông Matthieu Penot cho hay, tỷ lệ kiểm tra tăng trong năm 2021: Rau mùi 72%; húng quế 20%; bạc hà 30%; rau mùi 40%; đậu bắp 20 - 30%; hạt tiêu 20%; thanh long 10%.
“Trong một thế giới mà việc kiểm tra chỉ được thực hiện theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro, điều này phản ánh một kịch bản rủi ro rất cao. Do đó cần phải làm tốt hơn. EU đã mở rộng hỗ trợ Việt Nam để tăng cường hệ thống giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và sẽ tiếp tục thực hiện theo các chương trình song phương và khu vực”, ông Matthieu Penot cho biết thêm.
Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, vào tháng 4/2022,Văn phòng SPS Việt Nam đã họp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Bộ Công Thương để xem xét các vấn đề liên quan đến việc giảm tần suất kiểm tra hàng hóa xuất khẩu vào EU.
Phía EU cũng kỳ vọng, doanh nghiệp Việt Nam có phương án quản trị chặt chẽ, khoa học, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về dư lượng, chẳng hạn ethylene oxide cho mì ăn liền; cũng như các quy định về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Việt Nam đang đi trên đường cao tốc, với gia tốc chính là nông sản chủ lực và mục tiêu chung là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Để đạt mục tiêu giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền, thanh long nói riêng cũng như các sản phẩm xuất khẩu khác, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ trên cả 3 khía cạnh.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam tuyệt đối tuân thủ việc đăng ký, cấp chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền. 3 đầu mối đăng ký là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế; còn đầu mối thông tin duy nhất là Văn phòng SPS Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ mức dư lượng trong sản phẩm. Những vấn đề như lao động, môi trường, tổ chức sản xuất... phải tuân thủ, bám sát theo các điều khoản trong Hiệp định EVFTA. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát chuỗi liên kết sản xuất, từ vùng trồng, cơ sở sơ chế, chế biến, đến khâu đóng gói, vận chuyển, phân phối.
Còn theo ông Matthieu Penot, nông nghiệp bền vững và hệ thống lương thực là trọng tâm trong chương trình nghị sự chính sách của EU trong lĩnh vực này, đặc biệt là Chiến lược Farm to Fork - tầm nhìn nông nghiệp bao quát của EU về hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường.
Trong tương lai, luật của EU quản lý sản xuất lương thực cũng như nhập khẩu lương thực dự kiến sẽ củng cố các điều khoản về tính bền vững. Một ví dụ là quy định sắp tới về các sản phẩm không mất rừng, sẽ áp dụng cho các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu sang EU.
Đồng quan điểm về vấn đề này bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán thương mại tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia - cho hay, tính bền vững của thủy sản cũng là một xu hướng đang phát triển ở thị trường EU và đang dần được đưa vào các hệ thống quản lý trong tương lai.
Điều này có nghĩa là theo thời gian, EU sẽ thắt chặt hơn việc sử dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất có trách nhiệm với xã hội và môi trường đối với thủy sản nhập khẩu vào EU. Nếu như trước đây, tính bền vững của thủy sản trước đây chỉ được quan tâm trong lĩnh vực bán lẻ nhưng hiện tại điều này đang dần thay đổi.
Người tiêu dùng chú trọng hơn đến sức khỏe và ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Do đó, các cơ chế đảm bảo về quy trình sản xuất và xuất xứ của thủy sản ngày càng trở nên quan trọng. Việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản đang trở thành một cơ chế đảm bảo phổ biến trong ngành thủy sản và người mua ngày càng yêu cầu nhiều hơn.
Do đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý khuyến nghị, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung. Cùng đó, doanh nghiệp phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần nâng cao nhận thức sản xuất, kinh doanh một cách có trách nhiệm; tạo điều kiện cho Việt Nam và EU thúc đẩy giao thương hơn nữa.
Đào Văn Cường, Bộ NNPTNT