Từ ngày 12/6 tới, các Bộ trưởng Thương mại WTO sẽ gặp nhau tại Geneva để diễn ra Hội nghị Bộ trưởng MC12 của Tổ chức Thương mại thế giới.
Sau khi đã bị trì hoãn nhiều lần do đại dịch Covid-19, điểm mấu chốt của Hội nghị Bộ trưởng MC12 là nhằm tạo ra một số kết quả chứng minh rằng thể chế này vẫn còn phù hợp trong hệ thống thương mại toàn cầu ngày nay. Kết quả đạt được sẽ không dễ dàng trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine lơ lửng như một đám mây đen và cuộc họp sẽ rất căng thẳng với nhiều dự đoán khác nhau.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang nỗ lực hết sức để đạt được kết quả tại MC12 về một số nội dung, như một thỏa thuận về thủy sản, an ninh lương thực, điều mà mọi người đều quan tâm trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin liên quan đến Covid cũng đang còn nhiều khoảng cách phải thu hẹp.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định điều thế giới cần ngay bây giờ là một Tổ chức Thương mại thế giới có khả năng đáp ứng nhiều thách thức của thời đại và đáp ứng nguyện vọng của các thành viên nói riêng và thế giới nói chung. Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị MC12, các cuộc họp hàng ngày của các ủy ban được thực hiện để cố gắng đạt được tiến bộ.
Bà Okonjo-Iweala đặt mục tiêu chung xung quanh ba điểm. Thứ nhất, cả Covid và cuộc chiến ở Ukraine đều không thể hủy bỏ logic của thương mại tự do. Luôn có rủi ro chính trị, như Adam Smith đã chỉ ra trong cuốn sách “Sự giàu có của các quốc gia”. Đại dịch, giống như chiến tranh, có thể tàn phá chuỗi cung ứng. Nhưng WTO có thể làm giảm nguy cơ “kìm hãm” này và là một phần của câu trả lời, không phải là vấn đề.
Thứ hai, chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa bảo hộ đều không phải là thương mại tự do.
Thứ ba, định hình lại chuỗi cung ứng để có lợi cho các đồng minh, cũng không thể hoạt động nếu không có Tổ chức Thương mại thế giới. Đơn giản là không có thời gian, ý chí chính trị hay một chiến lược thực tế để làm thế nào các mối liên kết này bắt nguồn từ các giao dịch thương mại ưu đãi. Bên cạnh đó, Tổ chức Thương mại thế giới đã tìm hướng đi cho việc cải cách cơ quan thương mại thế giới, trong đó đặc biệt có vai trò cam kết hợp tác của các đối tác lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc…
Trong các cuộc gặp với người đứng đầu các cơ quan quốc tế hàng đầu của Liên hợp quốc ngày 12/5, bà Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, hợp tác về thương mại sẽ rất quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu như giá lương thực cao và đại dịch đang diễn ra và kêu gọi họ hỗ trợ các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới nỗ lực mang lại kết quả tại Hội nghị Bộ trưởng MC12 sắp tới. Tổ chức Thương mại thế giới đã phải hạ dự báo thương mại của mình, với khối lượng thương mại hàng hóa hiện được dự báo sẽ tăng 3% vào năm 2022, so với mức 4,7% được dự báo vào tháng 10 năm ngoái.
Bất chấp những khó khăn về kinh tế và chính trị mà thương mại phải đối mặt, Tổ chức Thương mại thế giới nhấn mạnh thương mại là một phần rất quan trọng trong sự kết hợp của các giải pháp chính sách cần thiết để mang lại sự tăng trưởng công bằng, tạo việc làm và bền vững về môi trường mà mọi người trên thế giới cần.
Lê Tùng, Bộ Công Thương