Khủng hoảng lương thực toàn cầu đang là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu gạo và thể hiện vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Các số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, giá lương thực đã tăng 30% trong vòng một năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt.
Để ứng phó với tình trạng này, ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn cắt giảm xuất khẩu và tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm. Động thái này được đánh giá là có thể khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, khiến giá cả tiếp tục leo thang.
Cụ thể, từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát đến nay, đã có khoảng 30 quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực. Trong đó có nhiều nước được cho là sẽ gánh vác nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho thế giới như Ấn Độ, Brazil, Argentina… đều có những động thái hạn chế xuất khẩu.
Trong bối cảnh các nước đang tìm cách giữ ổn định an ninh lương thực thì các doanh nghiệp Việt Nam lại nỗ lực xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng khắp thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm đã đạt khoảng 2,8 triệu tấn, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỉ USD, tăng 6,9% về khối lượng.
Giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so với một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gạo sang châu Phi đã tăng hơn 76% so với năm trước.
Một số thị trường khác cũng tăng khá mạnh trong 5 tháng đầu năm như Bờ Biển Ngà tăng 37% (đạt 273.078 tấn), Malaysia tăng 19% (đạt 162.465 tấn), Mozambique tăng 47,1%…
Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Mỹ hay các nước trong khối EU như Italia, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha…
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu mua tại các thị trường vẫn ở mức cao. Đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc. Nguyên nhân là do sản lượng giảm vì lũ lụt tại Trung Quốc, trong khi đó tại Philippines, nguồn dự trữ gạo đang ở mức thấp.
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa nhìn nhận, cơ hội xuất khẩu gạo hiện nay đang rất cao, qua dịch Covid-19, qua cuộc chiến tranh vừa mới xảy ra đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực của thế giới rất lớn. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu gạo và thể hiện vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Thế nên đây là cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam xuất khẩu nhiều.
Thứ hai, ngoài nhu cầu gạo là nhu cầu chung thì còn có một số quốc gia đòi hỏi gạo chất lượng cao. Chúng ta cũng đã từng được chứng nhận gạo ngon nhất thế giới (ST25), thì đây là cơ hội để đẩy manh xuất khẩu. Hiện nay, các đơn hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang rất nhiều nhưng cũng chưa kịp đáp ứng hết nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, để tận dụng được những cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải ký kết để tạo được chuỗi liên kết, nghĩa là tạo được vùng nguyên liệu. Tiếp đến, các doanh nghiệp cần có được tiềm năng về logistics, nghĩa là phải có kho bãi lớn, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một điểm nữa là cần phải có đội ngũ nhân sự, thương lái thu mua thật tốt và ổn định cả về sản lượng và chất lượng.
"Chất lượng rất quan trọng. Để tránh vì lợi nhuận mà thương lái bất chấp cả về chất lượng, doanh nghiệp phải gắn kết chuỗi. Chuỗi này rất quan trọng. Chuỗi giúp tăng giá trị gia tăng, nông dân có lợi, thương lái có lợi, doanh nghiệp xuất khẩu có lợi, tất cả có lợi thì đất nước sẽ có lợi", chuyên gia Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh.