Để tận dụng lợi thế từ hiệp định UKVFTA, doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng vùng trồng, phải nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí mà thị trường yêu cầu.
Nắm vững thông tin thị trường
Phát biểu tại Hội thảo "Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh”, tận dụng lợi thế của UKVFTA", ông Đặng Hoàng Giang - Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, thị trường Anh cực kỳ quan trọng, nhưng quốc gia đứng thứ 4 của Việt Nam xuất khẩu điều lại là Hà Lan. Đây là quốc gia xuất khẩu nhân điều chế biến sâu vào thị trường Anh, trong khi Hà Lan không có hạt điều nào. Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu điều lớn, tại sao Việt Nam chưa làm được? Ông Đặng Hoàng Giang đặt câu hỏi.
“Điều này cho thấy mặc dù có hiệp định thương mại tự do, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt được. Hiện doanh nghiệp có thông tin về thị trường, nhưng chủ yếu là thông tin hàn lâm, còn những thông tin về thị trường, tập quán tiêu dùng... thì các doanh nghiệp chưa nắm được”, ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Theo ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chuỗi cung ứng đang có sự thay đổi. Với Hiệp định UKVFTA, nhiều mặt hàng của Việt Nam đang có lợi thế. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh phải nắm vững thông tin thị trường, chuyên môn hoá. Thị trường Anh sẽ lựa chọn những nước có sản phẩm có lợi thế nhất định. Dệt may, nông nghiệp thuỷ hải sản, thị trường Anh luôn có nhu cầu, và tin tưởng các sản phẩm từ Việt Nam. Vì vậy, để cạnh tranh, doanh nghiệp nên phát triển ngành hàng đã có. Đồng thời đưa thêm thêm các ngành hàng mới và xây dựng uy tín sản phẩm.
Xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết, mỗi năm công ty xuất khẩu 100.000 tấn gạo, trong đó riêng thị trường Anh đạt 20.000 tấn. Để xuất khẩu vào khối thị trường EU nói chung và riêng tại thị trường Anh, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều quy định tiêu chuẩn khác nhau. Riêng về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, phát đáp ứng tiêu chuẩn của hơn 800 hoạt chất khác nhau. Theo ông Hiếu, cách đây vài năm Lộc Trời rất khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Anh do không có quy trình sản xuất, không có tiêu chuẩn rõ ràng khiến các sản phẩm làm ra không đạt chất lượng.
Tuy nhiên, từ năm 2020, công ty đã thay đổi cách làm, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, từ giống, phân, thuốc, dịch vụ nông nghiệp, liên kết với nông dân sản xuất, vận chuyển... đến nay các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Anh, Mỹ đều đạt chuẩn 100%. “Khi có chất lượng ổn định, mới nghĩ đưa các sản phẩm có thương hiệu của mình ra thị trường thế giới. Để làm được điều này, doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng vùng trồng, phải đáp ứng hơn 800 hoạt chất mà thị trường yêu cầu. Cùng với đó là những giấy phép thông hành ở các thị trường khó tính”, ông Nguyễn Văn Hiếu khuyên.
Theo bà Nguyễn Ngọc Đài Trang - Giám đốc điều hành, Viện tiêu chuẩn Anh quốc (BSI Group), để đưa sản phẩm ra sân chơi lớn, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu từ nhà mua hàng, từ các hiệp hội hay ngành chức năng, và cơ quan nhà nước. Theo quy định số 2021/1900 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm và hoa quả như sau: Húng quế: 20%; Bạc hà: 30%; Rau mùi: 40%; Đậu bắp: 20- 30%; Hạt tiêu: 20%; Thanh long: 10%. Đây là những mặt hàng có sự rủi ro cao ở thị trường Anh và khối EU.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù hiện tại các sản phẩm nông sản của Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn các nước khác. Tuy nhiên, sắp tới Anh sẽ triển khai hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các nước khác, điều này khiến lợi thế về thuế quan của chúng ta sẽ không còn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần thay đổi, tập trung vào chất lượng sản phẩm. Đây là điều quan trọng nhất để đưa sản phẩm vào thị trường Anh.