Báo cáo nghiên cứu tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng mới đây cho thấy, số doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn kỳ vọng vào lợi ích tiềm năng từ CPTPP chiếm tỷ lệ cao và đều có kế hoạch điều chỉnh nhằm chuẩn bị đón sóng CPTPP.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 712/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tác động của Hiệp định CPTPP đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả hiệp định CPTPP đối với các sản phẩm có thế mạnh của thành phố. Các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo (sản phẩm máy móc, thiết bị; thiết bị điện, điện tử, linh kiện các loại; kim loại các loại; chế biến gỗ, đồ nội thất; chế biến thực phẩm từ thủy hải sản, sản xuất gia công hàng may mặc… và lĩnh vực dịch vụ.
Doanh nghiệp Đà Nẵng đánh giá cao hiệu quả mà Hiệp định CPTPP mang lại
Về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định CPTPP, báo cáo cho thấy, 65% doanh nghiệp được khảo sát tại Đà Nẵng phản hồi có biết về Hiệp định CPTPP, trong đó 36,8% cho biết “Có nghe nói” hoặc “biết sơ bộ” về hiệp định này, trong đó 25,1% cho rằng “Có tìm hiểu thông tin cơ bản” về hiệp định, và xấp xỉ 3,1% doanh nghiệp trả lời “Có hiểu biết khá” về hiệp định này. Không có ý kiến phản hồi nào cho rằng “Hiểu biết sâu” về hiệp định. Kết quả này cho thấy, các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực, tuy nhiên mới trên bề mặt là chủ yếu.
Liên quan đến những kỳ vọng của doanh nghiệp đối với các lợi ích tiềm năng từ CPTPP, có đến 69,6% doanh nghiệp cho rằng, có cơ hội liên quan tới thương mại hàng hóa - ưu đãi thuế quan khi xuất nhập khẩu sang thị trường khu vực CPTPP; 65,2% đồng tình với việc chi phí logistics cũng như các dịch vụ liên quan thương mại xuyên biên giới sẽ giảm. Tiếp đến là nhóm các cơ hội về một môi trường kinh doanh được cải thiện thuận lợi (56,5%); mở rộng thị trường, tiếp cận thêm nguồn đơn hàng, khách hàng (50,5%); góc độ quản lý, các thủ tục xuất nhập khẩu ở Việt Nam sẽ thuận lợi, ít tốn kém hơn (30,4%) và cơ hội tham gia sâu hơn và có giá trị gia tăng cao hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu (19,6%).
Qua những đánh giá của doanh nghiệp cho thấy, một FTA thế hệ mới ngoài những tác động trực diện về thuế quan, thuận lợi thương mại hàng hóa thì các cơ hội kết nối hệ thống đối tác và cải thiện góc độ thể chế, quản lý cũng được kỳ vọng tác động khá sâu sắc.
Theo đánh giá của doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu được khảo sát, từ khi hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam, hoạt động xuất nhập khẩu của một tỷ lệ lớn doanh nghiệp trả lời là có tăng, cụ thể: Tăng mạnh chiếm 8,8%; tăng không đáng kể 23,5%; không thay đổi chiếm 17,7%.
Mặc dù có nhiều cơ hội, song các doanh nghiệp cho rằng, có những yếu tố cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội từ CPTPP. Đó là vấn đề thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ chiếm tỷ trọng cao nhất (11,5% doanh nghiệp được khảo sát đề cập); yếu tố từ góc độ quản lý,sự chậm chạp trong ban hành văn bản thực thi hiệp định (7,7%); vướng mắc khi làm thủ tục nhập khẩu hàng về (7,7%). Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thiếu thông tin về thị trường mới thuộc khối CPTPP hoặc chưa có đối tác tại thị trường này (2,0%)…
Để tận dụng tốt những cơ hội từ Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Đà Nẵng được khảo sát mong muốn được hỗ trợ về đào tạo kiến thức kinh tế quốc tế, nghiệp vụ ngoại thương, luật thương mại quốc tế, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết khác.
Xuân Hải, Văn phòng BCĐLNKT