Tin tức

Với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA mang lại, rau, quả Việt Nam đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại EU - thị trường có quy mô lớn nhất thế giới.

Với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại, rau, quả Việt Nam đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại EU – thị trường nhập khẩu rau, quả có quy mô lớn nhất thế giới.

Hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan

Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau, quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao từ 10-20%. Tuy nhiên, khi hiệp định này có hiệu lực, ngành rau, quả, gia vị nằm trong top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan, có khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á, đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn Thái Lan và Trung Quốc - hai nước chưa có hiệp định thương mại tự do với EU.

Xuất khẩu rau, quả, gia vị sang EU: Tiềm năng rộng mở

Rau, quả Việt Nam đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại EU

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau, quả tới thị trường châu Âu có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020. Đặc biệt sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm, nhất là sản phẩm rau, củ, quả tại các quốc gia khu vực EU đang gia tăng. Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau, quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau, quả tươi tăng từ 15-20%/năm; sản phẩm chế biến tăng hơn 30%.

Mặc dù được đánh giá có nhiều lợi thế, song theo các chuyên gia, thị phần rau, quả của Việt Nam tại khu vực EU vẫn còn mờ nhạt, mới chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu thị trường châu Âu. Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng, sở dĩ đạt kết quả thấp do cơ cấu giữa các mặt hàng chưa cân đối, hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật của rau, quả và gia vị xuất khẩu của các doanh Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường châu Âu.

Hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho từng doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường sự hiện diện của các mặt hàng rau quả, gia vị của Việt Nam tại thị trường châu Âu, Phái đoàn EU tại Việt Nam đã thông qua Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và VCCI xây dựng dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau, quả Việt Nam” (SFV-Export). Dự án sẽ được triển khai trong 2 năm 2022 - 2023. Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa - Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam - cho biết, mục tiêu của dự án tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong 3 ngành (gia vị, rau, quả) tăng doanh số xuất khẩu vào thị trường EU.

Dự án sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu được “may đo” cho từng doanh nghiệp về quản lý chất lượng, quản lý chuỗi cung ứng và phát triển thị trường hướng đến xuất khẩu vào EU. Song song với đó, các cơ hội kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng từ châu Âu cũng sẽ được thúc đẩy theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đặc biệt, dự án hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu giúp doanh nghiệp tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do châu Âu công nhận như IFS, BRC và chứng nhận Fairtrade. Đồng thời hỗ trợ hoạt động marketing, phát triển thị trường, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng từ thị trường châu Âu. Số hóa các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến thương mại trên nền tảng số chuyên biệt; hỗ trợ cải thiện chính sách và thực hành tốt liên quan đến người lao động, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường; thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu…

Đào Văn Cường, Bộ NNPTNT