Tin tức

Tiếp đà tăng trưởng ấn tượng của năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khởi sắc trong 2 tháng đầu năm. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ đang gia tăng công suất để đáp ứng tiến độ các đơn hàng đã ký kết đến hết quý II/2022.

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2022 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Hình minh họa
Hình minh họa

Hiện tại, nhiều DN gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2022, thậm chí có DN đơn hàng đến tháng 9/2022, các nhà máy chế biến gỗ đang gia tăng công suất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. DN chế biến gỗ của Việt Nam đang tập trung vào dòng sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao và thị trường mục tiêu, với kỳ vọng thị trường Mỹ và EU có thể tăng đơn hàng trong năm 2022 do sức mua trên các thị trường này đang phục hồi tốt. Sản phẩm gỗ từ Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia. Đáng chú ý, với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022, việc giao thương với các nước sẽ thuận lợi hơn, kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều ngành hàng, trong đó có ngành chế biến gỗ…

Để nắm bắt cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, ông Lê Xuân Quân - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai - cho biết, DN ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế. Nhằm hỗ trợ ngành gỗ phát triển bền vững và tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Lê Xuân Quân kiến nghị, các bộ, ngành chức năng tạo kênh liên kết, kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển, giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững, tổ chức liên kết tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu đầu vào cho ngành.

TS. Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT