Ngày 18/2, sau hai ngày diễn ra cuộc họp trực tuyến của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, G20 đã cam kết thực hiện một cách tiếp cận thận trọng nhằm rút dần sự hỗ trợ được đưa ra trong đại dịch.
Một số ngân hàng trung ương, bao gồm cả ở Mỹ, đang hướng tới việc tăng lãi suất và rút lại các biện pháp kích thích khi các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ suy thoái do Covid gây ra và lạm phát gia tăng. Nhưng có những lo ngại rằng việc thắt chặt chính sách tích cực có thể khiến sự phục hồi mong manh đi chệch hướng và gây ra những làn sóng chấn động đến các nước đang phát triển. Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo với vai trò chủ tịch của hội nghị các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương G20 cho biết: các nước G20 cam kết có các chính sách bình thường hóa được hiệu chỉnh tốt, được lên kế hoạch tốt và được truyền đạt thông tin tốt. Điều quan trọng là các chính sách này có tác động tối thiểu đến thị trường tài chính toàn cầu và các nước đang phát triển về hiệu ứng lan tỏa.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, cho biết trong một tuyên bố riêng rằng, "hợp tác quốc tế mạnh mẽ và sự linh hoạt trong chính sách đặc biệt sẽ là yếu tố quan trọng để điều hướng một 'chướng ngại vật' phức tạp đến năm 2022". Indonesia hiện đang giữ chức chủ tịch của G20, tổ chức hội tụ các nền kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Trong thông cáo cuối cùng của mình, G20 cho rằng "sự gián đoạn nguồn cung, cung cầu không khớp và giá hàng hóa tăng, bao gồm cả giá năng lượng, cũng góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát ở một số quốc gia và gây ra rủi ro tiềm tàng cho triển vọng kinh tế toàn cầu." Nhóm này sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời vẫn cảnh giác về tác động của những thách thức này đối với nền kinh tế.
Các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm mục đích giảm lạm phát, vốn đang tăng cao do đại dịch cung ứng và hậu cần gặp khó khăn. Lạm phát đã đặc biệt rõ rệt ở Mỹ - nơi mà tháng trước đã chứng kiến mức tăng hàng năm lớn nhất trong gần bốn thập kỷ. Cuộc họp đã bị phủ bóng bởi những lo ngại rằng Nga có thể xâm lược Ukraine, và mối đe dọa đối với sự phục hồi toàn cầu mà xung đột sẽ mang lại. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết trong khi các chi tiết cụ thể về cuộc khủng hoảng Ukraine không được thảo luận tại các cuộc đàm phán, những tác động tiềm tàng lan tỏa đến nền kinh tế ... và triển vọng phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Không đề cập cụ thể đến tình hình ở Ukraine, G20 sẽ tiếp tục theo dõi các rủi ro toàn cầu lớn, bao gồm căng thẳng địa chính trị đang phát sinh, và các lỗ hổng kinh tế vĩ mô và tài chính. Các cuộc đàm phán ban đầu dự kiến diễn ra trên hòn đảo nghỉ mát Bali nhưng đã được chuyển đến Jakarta do một làn sóng vi rút Omicron. Một số nhà lãnh đạo đã tham dự trực tiếp, trong khi một số tham gia qua hội nghị qua hình thức trực tuyến.
Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn