Giữa tháng 2, các đại biểu APEC sẽ bắt đầu nhóm họp đầu tiên để đưa ra chương trình nghị sự của năm và thúc đẩy công việc của APEC nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Aotearoa đã được thống nhất vào năm ngoái để đạt được Tầm nhìn Putrajaya 2040, định hướng các hành động của APEC trong 20 năm tới. Chủ đề của APEC 2022 là “Mở. Kết nối. Cân bằng." Các ưu tiên của Thái Lan là làm cho APEC mở ra mọi cơ hội, kết nối ở mọi khía cạnh và cân bằng về mọi mặt.
Chủ đề của Thái Lan được thúc đẩy bởi tầm nhìn nhằm giải quyết sự mất cân bằng do đại dịch và đạt được tăng trưởng thông qua việc tích hợp mô hình Xanh - Tuần hoàn Sinh học (BCG), ba phương pháp tiếp cận phát triển kinh tế đã được thiết lập tốt, vào nền kinh tế của khu vực.
Công việc của APEC là một mục tiêu theo đuổi lâu dài đòi hỏi những nỗ lực liên tục và có sự phối hợp. Thông qua các cam kết của các thành viên đối với châu Á - Thái Bình Dương, Thái Lan đã thông báo việc Mỹ sẽ tổ chức APEC vào năm 2023 và Peru sẽ tổ chức APEC vào năm 2024. APEC cùng thực hiện mục tiêu chung về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình cho tất cả người dân và thế hệ tương lai.
Tăng trưởng kinh tế của khu vực APEC có suy giảm vào năm 2021, một phần bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19 cũng như lạm phát gia tăng do tác động tổng hợp của cú sốc nguồn cung và nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,8% vào năm 2021, thấp hơn mức dự đoán trước đó là 6%, theo một báo cáo mới cập nhật của Đơn vị hỗ trợ chính sách APEC đưa ra ngày 10/2.
Tiến sĩ Denis Hew, Giám đốc Đơn vị hỗ trợ chính sách APEC cho biết, khu vực đang đối mặt với nhiều khó khăn cản trở nỗ lực phục hồi. Thêm vào đó, tăng trưởng ở APEC sẽ không đồng đều chủ yếu do sự chênh lệch trong quản lý đại dịch và tỷ lệ bao phủ vắc xin. Tăng trưởng kinh tế khiêm tốn của Trung Quốc cũng được cho là sẽ có một số tác động đến hoạt động kinh tế của khu vực. Báo cáo lưu ý rằng, tăng trưởng kinh tế của khu vực APEC sẽ tiếp tục ở tốc độ vừa phải trong những năm tới, 4,2% vào năm 2022 và 3,8% vào năm 2023.
Lạm phát cao hơn đặt ra một thách thức bổ sung vì nó đã thúc đẩy một số nền kinh tế thắt chặt các thiết lập chính sách tiền tệ, điều này có thể có tác động làm giảm hoạt động kinh tế. Tỷ lệ lạm phát của APEC đã tăng gấp đôi lên mức trung bình 3% vào năm 2021 so với 1,5% vào năm 2020, do giá năng lượng và lương thực cao hơn. Báo cáo nhấn mạnh mức độ nợ công xung quanh khu vực đã tăng lên khoảng 65% GDP vào năm 2020, so với mức trung bình 10 năm trước đại dịch là 49% GDP.
Sự gia tăng đáng kể này được dẫn đầu bởi phản ứng tài khóa lớn để giảm bớt đòn giáng của cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do Covid-19 gây ra. Các chính phủ đang phải đối mặt với lựa chọn không thể tránh khỏi là giảm quy mô kích thích tài khóa và chuyển sang cách tiếp cận có mục tiêu và hiệu chỉnh hơn để tiếp tục hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp khả thi. Tuy nhiên, thu hẹp không gian tài khóa và thắt chặt chính sách tiền tệ có thể làm chậm lại tiêu dùng và hoạt động kinh tế nói chung.
Trong thời gian tới, các nền kinh tế APEC được khuyến nghị tiếp tục ưu tiên sức khỏe của người dân trong khu vực để họ có thể phục hồi, mở cửa trở lại và xây dựng lại. Thông điệp ít nhiều vẫn giống nhau; bảo vệ dòng chảy nhanh chóng và tự do của nguồn cung cấp y tế qua biên giới để mở rộng phạm vi tiêm chủng.
Đồng thời, cần giải quyết tình trạng do dự về vắc xin bằng cách tập trung chiến dịch thông tin vào việc làm nổi bật việc bảo vệ vắc xin và chỉnh sửa thông tin sai lệch. Ngoài ra, các nền kinh tế cần đảm bảo sự sẵn có của các nhân viên y tế và nhân viên thiết yếu vì họ là chìa khóa để phục hồi. Thái Lan, nước chủ nhà của APEC 2022, sẽ dẫn đầu nỗ lực của khu vực hướng tới việc định hình tương lai sau Covid-19 cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có khả năng phục hồi, bao trùm, cân bằng và bền vững.
Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT