Mục tiêu thị trường Hoa Kỳ sẽ mang về cho ngành gỗ 10 tỷ USD trong năm 2021 bên cạnh rào cản do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lại chịu thêm áp lực từ những vụ kiện phòng vệ thương mại mới từ Hoa Kỳ.
Đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại mới
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, đầu tháng 7 vừa qua, CBP đã bắt đầu một cuộc điều tra chính thức theo Điều IV, Mục 421 của Đạo luật Tạo thuận lợi thương mại và thực thi thương mại năm 2015, thường được gọi là Đạo luật Thực thi và bảo vệ (EAPA) với Công ty CP Tập đoàn BGI (BGI Group Inc.). CBP đang điều tra xem BGI có trốn tránh lệnh chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm và các bộ phận cấu thành của chúng từ Trung Quốc hay không (WCV).
Hiện CBP đang áp đặt các biện pháp tạm thời đối với hoạt động nhập khẩu WCV của BGI từ Việt Nam vào Hoa Kỳ. Cụ thể như ngưng thanh toán với các lô hàng chưa thanh toán, áp dụng đối với hàng hóa được bảo hiểm đã nhập vào ngày hoặc sau ngày 26/3/2021, ngày bắt đầu điều tra; kéo dài thời hạn thanh toán với hàng hoá chưa thanh toán, áp dụng với hàng hóa được bảo hiểm đã nhập trước ngày 26/3/2021, ngày bắt đầu điều tra; thực hiện các biện pháp bổ sung khi xác định là cần thiết để bảo vệ doanh thu của Hoa Kỳ, bao gồm yêu cầu một trái phiếu giao dịch duy nhất hoặc bảo đảm bổ sung hoặc đăng ký gửi tiền mặt liên quan đến hàng hóa được bảo hiểm.
Ngoài ra, CBP sẽ yêu cầu nhập cảnh trực tiếp và gửi tiền mặt trước khi xuất kho hàng hóa từ nơi lưu ký của CBP. CBP sẽ từ chối thông quan danh mục hàng hoá nhập khẩu nào không tuân thủ quy trình nhập cảnh trực tiếp. CBP cũng sẽ đánh giá các trái phiếu liên tục của BGI để xác định mức độ đầy đủ. Cuối cùng, CBP có thể yêu cầu các hoạt động thực thi bổ sung, theo quy định của pháp luật.
Trong Công văn số 937/PVTM-P3 ngày 23/11/2021 Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho biết, Cục Phòng vệ thương mại nhận được từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, CBP đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh nghĩa vụ nộp thuế phòng vệ thương mại và áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tủ gỗ nội thất nhập khẩu từ một số công ty của Việt Nam. Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra. Cục Phòng vệ thương mại cũng đề nghị phía Hiệp hội chủ động nắm bắt tình hình, trao đổi với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không tiếp tay cho những hành vi làm tổn hại thương hiệu gỗ Việt
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn trong tháng 10/2021 đạt 120 triệu USD, nâng trị giá xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021 đạt 2,46 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021, đạt 1,73 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 74,1% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 97 triệu USD, giảm 4,7%; Anh đạt 82,6 triệu USD, tăng 24,1%; Canada đạt 68,5 triệu USD, tăng 32,7%; Pháp đạt 46,1 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Hoa Kỳ trong nhiều năm là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 60% (tăng 99% so cùng kỳ năm 2020) trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, nằm trong nhóm hàng đồ nội thất, các mặt hàng như bộ phận đồ gỗ, nội thất phòng bếp (tủ bếp, tủ nhà tắm), nội thất phòng ngủ, nội thất bằng gỗ khác, có mức tăng trưởng nhanh trong những tháng đầu năm 2021.
Riêng đối với mặt hàng tủ bếp, với quy mô thị trường mặt hàng tủ bếp Hoa Kỳ lên đến 5-7 tỷ USD/năm, nhóm mặt hàng này đang được các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hướng mở rộng mạng lưới sản xuất và xuất khẩu nhằm chiếm lĩnh thị phần. Dù xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, nhưng ẩn chứa rủi ro gian lận xuất xứ với sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp trong nước là hết sức quan trọng. Phải chấp hành nghiêm pháp luật, quy định thương mại song phương, không tiếp tay cho những hành vi làm tổn hại hình ảnh, thương hiệu gỗ Việt Nam.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến nghị các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện. Theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.
Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức áp thuế đối với sản phẩm này của Trung Quốc từ tháng 2/2020 với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% - 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% - 293,45%.
Xuân Tâm, Cục PVTM