Tin tức

Hiện tại, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.

Chủ động hợp tác

Tại Tọa đàm trực tuyến: “Ngành mật ong ứng phó với việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá” diễn ra sáng ngày 2/11, ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam - cho hay, bản thân thị trường mật ong của Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với doanh số hàng năm chỉ khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Nguồn vốn cũng ít và chủ yếu là vốn vay, nhưng lại không vay được qua nguồn chính thức là ngân hàng mà thông qua doanh nghiệp quỹ đầu tư, thậm chí vay bên ngoài. Nguồn lực hạn chế, khi đối diện với sự điều tra và nghi ngờ của đối tác sẽ là khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp, người nuôi ong.

Ứng phó với việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, ông Đinh Quyết Tâm cho biết, hiện nay, có trên 20 doanh nghiêp đã hợp tác với luật sư để tiến hành các điều tra sơ bộ của Hoa Kỳ. Ngoài những doanh nghiệp điều tra bắt buộc, có những doanh nghiệp tự nguyện làm đơn giải trình. “Chúng tôi cũng thường xuyên tập huấn thông tin cho các doanh nghiệp để hỗ trợ cho người nông dân sản xuất và xuất khẩu mật ong”, ông Đinh Quyết Tâm cho biết.

Hoa Kỳ chính thức điều tra chống bán phá giá với mật ong Việt Nam
Hoa Kỳ chính thức điều tra chống bán phá giá với mật ong Việt Nam

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Vân - Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam - đánh giá, trong 30 năm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, số lượng không ngừng tăng lên. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 50.000 tấn mật ong sang Hoa Kỳ. Trong sản lượng của cả nước, riêng Mỹ chiếm tới 95%, có thể thấy vị trí của Hòa Kỳ với mật ong Việt Nam rất quan trọng. Áp dụng lệnh điều tra của Hoa Kỳ, thông tin này đã tác động đến thị trường sản xuất trong nước. Giá mật ong đã xuống và rất nhiều người nuôi ong lo lắng.

Về phía Hiệp hội đã hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong vụ điều tra. Trước tiên là cung cấp đầy đủ giấy tờ với thông tin chính xác, minh bạch cho phía Hoa Kỳ. Đồng thời, đề nghị cơ quan có thẩm quyền có sự tác động với đối tác Hoa Kỳ trong việc xem xét chứng minh về việc phá giá trong sản phẩm mật ong của Việt Nam. Từ đó đình chỉ hoặc có mức thuế phù hợp, điều này không chỉ giúp cho nhà sản xuất mà chính cho người tiêu dùng của Hoa Kỳ.

Số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu mặt hàng mật ong đạt 83 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó, 91% xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - cho hay, thực ra, mặt hàng mật ong đã được Bộ Công Thương đưa vào Danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh thuế quý IV/2020 định kỳ đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại và gửi cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh để phối hợp theo dõi.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị đề nghị điều tra phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp nuôi ong chủ yếu phát triển từ những cơ sở kinh doanh theo mô hình hộ gia đình, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa được tiếp cận với lĩnh vực phòng vệ thương mại nên còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng xử lý vụ việc.

Do đó khó tránh khỏi việc một số doanh nghiệp ban đầu cảm thấy hoang mang, lo lắng. Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong Việt Nam, ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ Hoa Kỳ điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã thu thập dữ liệu, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nuôi ong Việt Nam triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, chia sẻ quy định pháp luật, kinh nghiệm xử lý các vụ việc liên quan đến Hoa Kỳ, giải đáp thắc mắc và khuyến nghị một số hoạt động ứng phó cho các doanh nghiệp.

Ngay khi vụ việc được Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra, Cục Phòng vệ thương mại đã liên tục trao đổi với từng doanh nghiệp xuất khẩu để tìm hiểu thông tin cũng như tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp mình, đồng thời thường xuyên theo dõi những diễn biến mới của vụ việc từ Cơ quan điều tra Hoa Kỳ để thông báo tới Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam nhằm đảm bảo thời hạn phối hợp cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ. Với sự chuẩn bị ngay từ sớm của các doanh nghiệp và Hiệp hội, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ và tư vấn của các cơ quan quản lý nhà nước, bà Phạm Châu Giang tin rằng các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị khá tốt cho vụ việc.

Tuy nhiên, bà Phạm Châu Giang nhận định, trong vụ việc mật ong, chúng ta có 2 điểm bất lợi đó là Việt Nam vẫn bị coi là phi thị trường. Hai là, chúng ta được thiên nhiên ưu đãi nên giá cả cũng thấp hơn - vốn là lợi thế của Việt Nam trong điều kiện thông thường. Vì vậy, đó là lý do cáo buộc nước ngoài đối với Việt Nam, bởi biên độ của chúng ta cao hơn các nước khác. Nếu không có gì thay đổi, Cơ quan điều tra của Hoa Kỳ dự kiến sẽ ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc vào ngày 17/11/2021, Cục Phòng vệ thương mại sẽ theo dõi và có sự trao đổi lại với đối tác.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Được biết ong nuôi ở Hoa Kỳ chỉ cho mật trong thời gian 3 tháng/năm, ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp - nhận định, đây là một trong nguyên nhân của Hiệp Hội nuôi ong của Hoa Kỳ thúc đẩy nước sở tại tiến hành điều tra. Tuy nhiên đó có phải là nguyên nhân chính hay không thì cần phải chứng minh của các doanh nghiệp nước ta kết hợp với kết luận điều tra của Hoa Kỳ.

Ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, hiện Hoa Kỳ đang hoài nghi về chất lượng mật ong Việt Nam. Bởi trong chất lượng của mật ong có các yếu tố hội tụ là giống hoa, loài hoa, màu sắc. Trong khi nuôi ong của Việt Nam khác với nuôi ong của Hoa Kỳ đó là ở tính xã hội hóa tức là về tính kinh tế xã hội, môi trường, ta cũng thuận lợi 4 mùa. Trong khi đó, nuôi ong của Hoa Kỳ là công nghiệp. Chính vì tính xã hội này cũng khiến ngành mật ong của chúng ta gặp nhiều khó khăn. Đó là về tính đảm bảo an toàn khi ong sản xuất ra mật như chất lượng của hoa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải lưu ý về việc xem hàng hóa của các nước khác có núp bóng nhãn mác hàng của Việt Nam hay không, để tránh lẩn thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ hay không. “Như bài học kinh nghiệm từ gỗ chế biến xuất khẩu của chúng ta. Về nguồn gốc xuất xứ, nguồn gỗ của chúng ta chủ yếu nhập từ Trung Quốc cho nên khi sản xuất đồ gỗ, nội thất gặp rất nhiều khó khăn. Do các yếu tố trên, Hiệp Hội nuôi ong của chúng ta cần chuẩn bị kỹ các câu trả lời cho phía Hoa Kỳ về chất lượng mật ong, về việc có hay không hàng hóa lẩn tránh thuế nhập khẩu”, ông Hoàng Trọng Thủy khuyến nghị.

Về các giải pháp để tránh xảy ra sự việc tương tự, ông Lê Thanh Vân cho rằng, chúng ta cần đa dạng hóa hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu ra nhiều nước khác trên thế giới. Tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như hiện tại, ngành mật ong đang phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, để đến khi xảy ra vụ việc sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về việc xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người dân cần tập trung nhiều hơn nữa về chất lượng sản phẩm. Cần tăng tốc sản xuất về số lượng hơn nữa.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam. Quyết định này được DOC đưa ra sau 20 ngày thụ lý đơn phản ánh từ Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux. Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp dụng với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56-138,23%. Thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ.

Hiện tại, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.

Xuân Tâm, Cục PVTM