Tin tức

Việc Việt Nam đàm phán, ký kết thành công và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra đòn bẩy cho sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với các nước trên thế giới và trong khu vực, tạo ra nhiều “sân chơi” mới cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, việc giành phần thắng trong “cuộc chơi” sẽ chỉ dành cho những ai biết nắm bắt cơ hội và tận dụng thời cơ vươn lên chuyển mình trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

FTA – Cơ hội lớn nhưng vẫn bị bỏ lỡ

Năm 2020, nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), đánh dấu sự thành công của nỗ lực 10 năm đàm phán giữa Việt Nam và EU. Hiệp định EVFTA đã mở ra một trang mới cho nền kinh tế Việt Nam với cơ hội xuất khẩu vào thị trường 508 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 18 tỉ USD.

Bên cạnh EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng là một FTA thế hệ mới có tác động trực tiếp tới việc phát triển công nghiệp vật liệu của Việt Nam khi các đối tác cam kết mở cửa thị trường khá mạnh đối với một số mặt hàng nguyên vật liệu.

Tác động tích cực đáng kể nhất của việc tham gia các FTA thế hệ mới nằm ở khía cạnh xuất khẩu và nhập khẩu. Các cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ dự kiến sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, từ đó góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Về khía cạnh nhập khẩu, mức thuế xuất nhập khẩu ưu đãi sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ hơn.

Việc Việt Nam nỗ lực tham gia các FTA là chủ trương đúng đắn giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào “cuộc chơi”, tuy nhiên nhiều cơ hội tiềm năng vẫn đang bị bỏ lỡ. FTA được coi là “tuyến đường cao tốc” nối Việt Nam với các thị trường thế giới nhưng trên thực tế những lợi thế mà FTA đem lại chưa được tận dụng hiệu quả như kỳ vọng. Chẳng hạn như việc Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công, ngành chế biến gỗ vẫn còn nhiều “nút thắt” khi sản phẩm chủ yếu là thô, chưa có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ giá trị cao, ngành thép đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu hay doanh nghiệp trong nước còn gặp khó khăn trong đầu tư, phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Lý do trước hết cho những hạn chế này là bởi doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, từ đó chưa tìm hiểu rõ các mức thuế suất ưu đãi với từng mặt hàng và làm thế nào để hưởng được thuế suất ưu đãi đó.

Nỗ lực của Bộ Tài Chính trong việc nâng cao nhận thức của Doanh nghiệp về FTA

Để Việt Nam tận dụng được những cơ hội từ các FTA một cách tốt nhất, điều đầu tiên cần làm là khẩn trương tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu rõ và thực thi ngay khi hiệp định có hiệu lực. Vì vậy, Bộ Tài Chính đã tiến hành khảo sát mức độ quan tâm và khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin về FTA của các doanh nghiệp. RSM Việt Nam là một trong những tổ chức được phối hợp cùng Bộ Tài Chính để thực hiện khảo sát này, góp phần đem những băn khoăn của Doanh nghiệp tới gần hơn với các bộ ban ngành, để từ đó tạo điều kiện cho việc áp dụng những ưu đãi của FTA một cách hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó TGĐ RSM Việt Nam chia sẻ: “Việc Bộ Tài chính lấy ý kiến của doanh nghiệp về mức độ quan tâm và khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin về FTA là một bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Nếu chúng ta tận dụng được tối đa những lợi ích mà FTA mang lại, doanh nghiệp có thể tự tin vững bước trong “cuộc chơi” và vượt qua được những thách thức về cạnh tranh gay gắt ngay tại “sân nhà” và cả “sân khách”.

Trong khuôn khổ triển khai của Dự án Tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính đang phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tiến hành biên soạn và xuất bản sổ tay “Tăng cường hiểu biết và tận dụng cam kế thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia”. Tham gia dự án này, RSM Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện Webinar phạm vi toàn quốc với chủ đề: “Làm thế nào để tối ưu lợi ích của FTA cho doanh nghiệp”. Sự kiện này hứa hẹn sẽ đem đến cho Doanh nghiệp cái nhìn sâu sắc hơn về cách tận dụng lợi thế từ FTA cũng như là cơ hội để Doanh nghiệp đối thoại với các chuyên gia tới từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương.

Sổ tay “Tăng cường hiểu biết và tận dụng cam kế thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia” được kì vọng sẽ là cẩm nang cho Doanh nghiệp

Việt Nam trong quá trình tận dụng những ưu đãi của FTA để giành được thị phần trên thị trường quốc tế cũng như tạo động lực nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá thành sản phẩm.

Để đăng kí tham dự hội thảo và nhận sổ tay, vui lòng quét mã QR hoặc truy cập đường link: https://www.rsmhanoi.com.vn/hoi-thao-fta-toi-uu-loi-ich-cho-doanh-nghiep

RSM là hãng đứng thứ 6 thế giới về dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn dành cho các doanh nghiệp toàn cầu. Chúng tôi đã có mặt tại hơn 120 quốc gia, với 820 văn đặt tại hơn 40 trung tâm kinh tế hàng đầu trên khắp thế giới. Là một thành viên của RSM Quốc Tế, RSM Việt Nam chia sẻ những ý tưởng và phân tích chuyên sâu đến từ các chuyên gia hàng đầu với kiến thức quốc tế và hiểu biết về bản địa sâu sắc. Tham khảo website RSM Việt Nam tại: rsmhanoi.com.vn

Thu Huyền, Bộ Tài chính