Tin tức

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hay ở trạng thái bình thường mới, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) luôn là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhằm làm rõ hơn vai trò của các FTA mà Việt Nam đã tham gia, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Năm 2021, Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn, thách thức dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng kết quả đó có vai trò rất lớn của các FTA mà Việt Nam tham gia. Xin ông cho biết đánh giá về vấn đề này?

Năm 2021 là năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, tuy nhiên, trong bức tranh đó vẫn có những điểm sáng tương đối rực rỡ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh. 8 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng trên 20%, thậm chí còn cao hơn những năm không có Covid-19. Đáng chú ý, tăng trưởng ghi nhận không chỉ từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN mà cả thị trường Hoa Kỳ, và những thị trường Việt Nam đã ký FTA.

Lực đẩy từ các FTA
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA, như Canada và Mexico liên tục duy trì hai con số. Thị trường tiềm năng và còn nhỏ như Peru cũng tăng trưởng bất ngờ về kim ngạch xuất khẩu, có giai đoạn lên đến 300%. Mặc dù, giá trị tuyệt đối còn thấp so với thị trường khác, nhưng về giá trị tương đối cho thấy, đang có sự chuyển hướng mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Peru. Còn với EU, sau 8 tháng, tăng trưởng xuất khẩu khoảng gần 12%, thị trường Anh cũng tăng trưởng 2 con số.

Bên cạnh xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường Canada, Mexico, EU, Anh cũng có nhiều điểm chú ý. Đó là Việt Nam bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu. Điều này thấy rõ khi kim ngạch nhập khẩu vải từ EU tăng đáng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng thuế suất ưu đãi từ EVFTA, nhập khẩu nguyên liệu vải – đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA và xuất khẩu trở lại thị trường EU. Ngoài ra, việc nhập khẩu các mặt hàng khác như nông sản, thực phẩm vào Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ nhiều cho việc đa dạng hóa thị trường.

Từ kết quả thực thi EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), theo ông đâu là những cơ hội và thách thức mới nổi lên trong thời gian tới?

Theo tôi, cơ hội thứ nhất, đó là sẽ có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn về các hiệp định FTA. Khi các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích của các thị trường, họ sẽ không tập trung nhiều vào thị trường truyền thống, mà bắt đầu lấn sang các thị trường Việt Nam có FTA như Canada, Mexico hay là Peru. Đó chính là cơ hội mới.

Thứ hai, từ góc độ các tỉnh, thành phố. Theo Báo cáo về Kết quả thực hiện Hiệp định EVFTA, CPTPP trong năm 2020, hiện nay, các địa phương vẫn tập trung lớn vào các thị trường truyền thống. Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của các thị trường có FTA mới như EU hay trong khối CPTPP còn khiêm tốn, kể cả ở những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đây cũng chính là cơ hội để các địa phương chú trọng hơn, vào cuộc mạnh mẽ hơn để phối hợp với doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA.

Lực đẩy từ các FTA
Xuất khẩu dệt may Mexico tăng mạnh sau khi CPTPP có hiệu lực

Thứ ba, đó là tư duy. Tư duy về làm luật và bắt đầu cải cách thể chế theo tiêu chuẩn của FTA thế hệ mới đã bắt đầu xuất hiện và phổ biến. Đơn cử, khi ban hành văn bản để thực thi CPTPP, các cơ quan ban hành và thực thi chính sách dần dần không nhìn vào tiêu chuẩn WTO, mà đã bắt đầu nhìn vào tiêu chuẩn của CPTPP. Điều này thấy rõ trong Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài, đưa tất cả các FTA được điều chỉnh cho một nghị định đầu tư. Đây là tư duy rất mới và hy vọng sẽ được lan truyền cho nhiều lĩnh vực khác.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng nhanh, hiệu quả mà các FTA mang lại, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục những chương trình, hoạt động gì, thưa ông?

Bên cạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, làm thế nào để doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng, đầy đủ và nhanh nhất, tiện nhất về các FTA. Trong đó, chúng tôi sẽ xây dựng Cổng thông tin điện tử FTA (FTAP) là cổng một cửa. Hiện, chương trình này đã được Chính phủ thông qua, có hơn 20 bộ, ngành sẽ tham gia Tổ công tác để vận hành và nâng cấp FTAP này.

Trên FTAP, doanh nghiệp quan tâm đến một sản phẩm xuất khẩu, chỉ cần đánh mã HS sẽ nhận về đầy đủ thông tin từ thị trường, đối thủ cạnh tranh, quy tắc xuất xứ được cắt giảm thuế, các hướng dẫn... Tuy nhiên, FTAP đang ở giai đoạn đầu và mới chỉ có CPTPP, EVFTA, hiện đang tích hợp thêm UKVFTA. Hy vọng thời gian tới, FTAP sẽ kết nối tất cả các FTA lại, từ đó so sánh các hiệp định với nhau và doanh nghiệp có thể chọn các hiệp định tốt nhất.

Cùng các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin, Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, bằng việc tổ chức các hoạt động online lẫn offline, kết nối cung - cầu trong nước và cả nước ngoài.

Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT